Đau mạn tính - Dùng thuốc gì?

08-05-2020 10:18 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đau là dấu hiệu phổ biến của các bệnh lý, đồng thời là triệu chứng khiến người bệnh tìm đến bác sĩ. Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã dựa vào cơ chế gây đau để tìm ra các nhóm thuốc có tác dụng giảm đau ngắn hạn.

Tuy nhiên, có những trường hợp đau mạn tính mà những nhóm thuốc giảm đau thông thường không giúp làm cải thiện tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Trong những trường hợp này dùng thuốc như thế nào?

Nguyên nhân gây đau mạn tính

Bệnh nhân có tình trạng đau mạn tính thường gây khá nhiều khó khăn đối với các bác sĩ về phương diện chẩn đoán và điều trị. Hơn nữa, thực tế chỉ ra rằng, việc chẩn đoán nguyên nhân, cơ chế gây đau trên những bệnh nhân này thường mất nhiều thời gian hơn so với các bệnh nhân đau thông thường.

Có thể liệt kê một số nguyên nhân, yếu tố gây đau, làm kéo dài và trầm trọng mức độ đau của bệnh nhân, như: ung thư, viêm khớp, đau nửa đầu, đau xơ cơ, đau do biến chứng đái tháo đường... Ngoài ra còn một số triệu chứng đau do di chứng để lại của một bệnh lý nào đó, như cơn đau thần kinh của những bệnh nhân đã từng bị zona. Hoặc đau do tình trạng tâm lý của bệnh nhân. Yếu tố này có thể làm những cơn đau thêm trầm trọng hơn và kéo dài hơn.

Một số thuốc điều trị đau mạn tính và lưu ý khi dùng

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số phương pháp nhằm giúp cải thiện tình trạng đau mạn tính. Một số nhóm thuốc đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng nhằm mục đích này.

Đau mạn tínhĐau mạn tính thường gặp ở các bệnh nhân xương khớp.

Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng tỏ ra rất hữu ích trong xử trí bệnh nhân đau mạn tính. Mặc dù ban đầu mục đích sử dụng của các thuốc thuộc nhóm này đó là điều trị trầm cảm. Tuy chưa thể giải thích rõ được cơ chế của nhóm thuốc này, nhưng tác dụng giảm đau của các chất chống trầm cảm 3 vòng có khởi đầu nhanh hơn và xảy ra với liều thấp hơn khi điều trị trầm cảm. Hơn nữa, thực nghiệm điều trị đã cho thấy, bệnh nhân đau mạn tính mà không bị trầm cảm khi dùng thuốc chống trầm cảm cũng giúp giảm cơn đau.

Ngoài ra cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng các thuốc chống trầm cảm làm cho các thuốc giảm đau có gốc từ thuốc phiện mạnh thêm. Do đó nếu dùng thuốc chống trầm cảm cùng với các thuốc giảm đau gốc thuốc phiện rất có hiệu quả trong những trường hợp đau nhiều, dai dẳng như ung thư. Các chất chống trầm cảm 3 vòng đặc biệt có giá trị trong xử trí đau do bệnh thần kinh, như trong bệnh thần kinh do đái tháo đường và đau dây thần kinh sau zona. Đây là lựa chọn tốt nhất để điều trị đau trong 2 trường hợp bệnh lý trên.

Các thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng hiện nay là: amitriptyline, clomipramine, desipramin, imipramine, maprotilin và paroxetine.

Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc trong nhóm này cần có sự tư vấn kỹ của bác sĩ do một số các tác dụng phụ có thể gặp như giảm huyết áp tư thế đứng hay loạn nhịp tim...

Thuốc chống co giật

Các thuốc chống co giật đáng chú ý trong nhóm này là carbamazepin, phenytoin, valproate, clonazepam, baclofen, gabapentin. Những thuốc này chủ yếu hữu ích cho bệnh nhân đau do bệnh thần kinh. Phenytoin và carbmazepin đều đã được chứng minh có tác dụng giảm đau với dây thần kinh sinh ba với tính chất đặc trưng của cơn đau là ngắn, đột ngột và giống như bị điện giật. Trên thực tế, các thuốc chống co giật đều tỏ ra hữu hiệu cho những loại tính chất đau như vậy.

Đặc biệt thuốc chống co giật thế hệ mới đó là gabapentin được lựa chọn sử dụng cho nhiều trường hợp đau do các bệnh lý thần kinh gây ra.

Thuốc chống loạn nhịp

Các thuốc chống loạn nhịp như lidocain và mexiletin liều thấp cũng có công hiệu trong điều trị đau do bệnh lý nguồn gốc thần kinh.

Tuy  nhiên, lưu ý chung cho cả 2 nhóm thuốc chống co giật và chống loạn nhịp là cần kiểm tra kỹ huyết học và chức năng gan khi sử dụng những thuốc này.Nhất là khi dùng carbamazepine và valproate.

Thuốc có gốc thuốc phiện

Việc dùng dài ngày các dạng thuốc phiện được chấp nhận cho bệnh nhân bị đau do bệnh ác tính như ung thư. Mặc dù hiện nay vẫn đang còn tranh cãi sử dụng những thuốc này cho những trường hợp bệnh lý đau không có nguồn gốc ác tính, nhưng thực tế đối với tình trạng đau quá nặng, không thể cải thiện được bằng bất kỳ phương cách nào khác, thì nhóm thuốc này là lựa chọn duy nhất và cuối cùng cho bệnh nhân.

Mặc dù, đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc nhóm này lần đầu ít khi xảy ra nghiện, nhưng nếu dùng dài ngày sẽ có tình trạng dung nạp và phụ thuộc thuốc. Do đó, đối với việc sử dụng nhóm thuốc này cần được cân nhắc kỹ và phải được giám sát chặt chẽ bởi các bác sĩ điều trị.

Một số thuốc thông dụng của nhóm này đó là: codein, oxycodone, morphin, levorphanol, methadon, levorphanol, morphin phóng thích chậm...

Trong trường hợp cần dùng các thuốc này uống dài ngày cho bệnh nhân ngoại trú, thì nên dùng những hợp chất tác dụng chậm như: levorphanol, methadol, hay morphin phóng thích chậm. Các thuốc này có thể làm giảm đau lâu hơn cũng như làm giảm tình trạng tái phát của cơn đau. Táo bón là một tác dụng phụ phổ biến của nhóm thuốc này gây ra cần được chú ý và nên đề phòng điều trị .

Các nhóm thuốc trên đây được cân nhắc và áp dụng điều trị trong những trường hợp đau mạn tính khi mà các phương pháp điều trị khác tỏ ra không hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi nhóm thuốc trên đều có những tác dụng phụ và có thể xảy ra tương tác thuốc nguy hiểm khi sử dụng chung với những thuốc khác. Chính vì vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng, mà cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị. Khi gặp bất kỳ một triệu chứng bất thường nào cần ngưng ngay thuốc thông báo cho bác sĩ biết.


BS.Vũ Dũng
Ý kiến của bạn