Đau lưng - thận trọng với phình đĩa đệm cột sống

01-03-2021 10:21 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh phình đĩa đệm gây ra rất nhiều phiền toái cho việc đi lại cũng như cuộc sống của người bệnh.

Bên cạnh đó, tình trạng đau nhức ở vùng lưng sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Nếu không có biện pháp điều trị bệnh kịp thời, bệnh phình đĩa đệm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tê liệt chân tay, bại liệt, mất khả năng vận động,...

Phình đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm đã bị lồi ra phía sau nhưng phần nhân nhày vẫn còn nằm trong bao xơ và chưa gây chèn ép vào dây thần kinh. Bệnh nhân khi bị phình đĩa đệm sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh thoát vị đĩa đệm rất cao.

Nguyên nhân do đâu?

Phình đĩa đệm có thể xảy ra ở cả người trẻ tuổi và người cao tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất ở độ tuổi trung niên trở lên. Nguyên nhân gây phình đĩa đệm phần lớn là do quá trình lão hóa. Một số đĩa đệm có thể phình ra khi bắt đầu quá trình lão hóa xương khớp và thoái hóa đĩa đệm, đặc biệt ở những vùng có biên độ vận động lớn của cột sống, như cột sống thắt lưng hay cột sống cổ. Đa số trường hợp phình đĩa đệm không phải là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của cột sống.

Phình đĩa đệm cũng có thể xảy ra do một chấn thương mạnh khi chơi thể thao hoặc làm việc nặng nhọc. Nhiều trường hợp, phình đĩa đệm xảy ra là một biến chứng sau tai nạn đã xảy ra từ nhiều năm trước làm suy yếu đĩa đệm và khiến nó dễ gặp vấn đề hơn. Bên cạnh đó, hút thuốc lá cũng có thể làm cho bao xơ đĩa đệm yếu đi, dẫn tới khả năng cao bị phình đĩa đệm.

Các giai đoạn của phình đĩa đệm cột sống.

Các giai đoạn của phình đĩa đệm cột sống.

Dấu hiệu nhận biết

Khi mới bị phình đĩa đệm dạng nhẹ thường không gây chèn ép thần kinh, nên đa phần người bệnh không có cảm giác đau hay hạn chế vận động. Tuy nhiên, trường hợp phình đĩa đệm trở nên nghiêm trọng khi nó lồi ra quá lớn, gây chèn ép vào rễ dây thần kinh và hẹp ống sống. Lúc này, người bệnh có cảm giác đau nhức xung quanh vị trí đó và có thể gây hạn chế vận động. Tùy thuộc mức độ và vị trí chèn ép rễ thần kinh, tủy sống mà gây ra các triệu chứng đau khác nhau, đôi khi có thể nhầm lẫn với đau của các cơ quan khác như tim, bụng hay thận... Phình đĩa đệm nhiều tầng và kèm theo các thoái hóa khác của cột sống có thể dẫn đến hẹp ống sống gây hậu quả nghiêm trọng.

Triệu chứng phình đĩa đệm nghiêm trọng chạm vào tủy sống của bạn gồm có: Phình đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây ra các cơn đau tại vùng thắt lưng, lan dọc theo rễ thần kinh xuống 1 hoặc cả 2 chân, nặng hơn bệnh nhân có thể tê bì 2 chân, teo cơ, hạn chế vận động hoặc rối loạn tiểu tiện... Còn phình đĩa đệm cột sống cổ thường gây đau sâu gần hoặc trên xương bả vai; đau lan tỏa ở cánh tay trên, cẳng tay hoặc ngón tay; đau từ một đĩa đệm bị phình ra có thể bắt đầu giảm đi theo thời gian nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh.

Các triệu chứng của phình đĩa đệm thường trở nên tốt hơn trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, dù được điều trị hay không. Nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng, bệnh có thể nặng hơn, các cơn đau xuất hiện dày hơn và dữ dội hơn.

Cần làm gì để phòng ngừa?

Tùy theo mức độ, vị trí phình lồi cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt, người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, hạn chế mang vác vật nặng, tránh chấn thương cột sống, có chế độ lao động, sinh hoạt hợp lý để tránh đau tái phát hoặc tiến triển sang thoát vị đĩa đệm.

Để phòng ngừa phình lồi đĩa đệm cũng như thoát vị đĩa đệm cột sống cần luôn duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; thường xuyên tập thể dục để có một cơ thể khỏe mạnh và cột sống vững chắc. Giữ tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày (ngồi học, ngồi làm việc, mang vác vật nặng đúng cách,..). Cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng không tốt đến cột sống thắt lưng. Hạn chế mọi nguy cơ bị chấn thương cho cột sống khi lao động, tham gia giao thông, các vận động, động tác thể thao quá mức và kéo dài,...

Giữa 2 đốt sống có 1 đĩa đệm, hình giống thấu kính lồi, cấu tạo gồm tổ chức bao xơ bên ngoài và nhân nhày ở trung tâm. Đĩa đệm bình thường được giữ ở vị trí giữa 2 đốt sống trên và dưới bởi các dây chằng nối giữa 2 đốt sống. Nhờ tính chất đàn hồi, nên đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, giúp cho cột sống thực hiện chức năng vận động một cách mềm dẻo. Phình đĩa đệm là thể nhẹ của thoát vị đĩa đệm, đó là tình trạng vỏ bao xơ của đĩa đệm bị tổn thương dẫn đến việc đĩa đệm bị phình ra, lồi hẳn ra ngoài. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng, phình đĩa đệm có thể tiến triển thành thoát vị đĩa đệm thực thụ.

BS. Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến của bạn