Thời gian gần đây, chị L. không có biểu hiện gì đặc biệt ngoài cảm giác đau nhói ở vùng thắt lưng khi tập các bài thể dục nhẹ nhàng. Trước đó, chị L. không làm công việc gì nặng nhọc, nhưng chị L. có tiền sử bị ngã xe máy song lại chủ quan không đi kiểm tra sức khoẻ.
Bác sĩ Vi Trường Sơn - Phòng khám Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là bác sĩ trực tiếp thăm khám cho chị L. cho biết: Bệnh nhân được chẩn đoán hở eo đốt sống L5 chưa tiến triển thành trượt đốt sống nên đã được điều trị nội khoa bằng thuốc, áp dụng các bài tập hỗ trợ cho cột sống; đồng thời theo dõi bệnh theo thời gian để can thiệp kịp thời.
BS. Sơn cũng cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hở eo đốt sống thắt lưng. Chẳng hạn, người dân bị chấn thương trong thể thao hoặc sinh hoạt hàng ngày với động tác cúi quá mức của cột sống vùng thắt lưng bị bỏ qua hoặc không được khám chuyên khoa cột sống. Bệnh dễ tiến triển lâu dài dẫn đến trượt đốt sống khi đó phải can thiệp nắn chỉnh trượt bằng dụng cụ.
Hình ảnh hở eo L5 đốt sống.
Bên cạnh đó, do yếu tố bẩm sinh: trong bệnh lý thiểu sản sụn, eo của đốt sống L5 bị khiếm khuyết trong quá trình hình thành bào thai. Khi cột sống thắt lưng ở động tác cúi quá mức có thể dẫn tới gãy eo.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không đủ chất, thiếu hụt canxi – hoạt chất quan trọng nhất nuôi dưỡng cột sống cũng có thể gây nên bệnh này.
Bác sĩ Vi Trường Sơn khuyến cáo, bệnh lý vùng cột sống thắt lưng do nhiều nguyên nhân gây ra, triệu chứng lâm sàng thì không biểu hiện rõ ràng, đôi khi chỉ đau lưng hoặc tê chân. Do đó người dân khi có những dấu hiệu trên nên đi khám chuyên khoa cột sống để được phát hiện đúng bệnh và được tư vấn điều trị kịp thời, tránh bỏ sót tổn thương và đề phòng các biến chứng.