Đau lòng những vụ học sinh, sinh viên tự tử ở Hải Phòng

14-03-2014 08:41 | Thời sự
google news

Mới đây, một nữ sinh lớp 10 ở Hải Phòng đã nhảy từ tầng 2 tòa nhà ban giám hiệu xuống sân trường tự tử vì làm mất vé xe và bị bảo vệ mời lên làm việc.

Mới đây, một nữ sinh lớp 10 ở Hải Phòng đã nhảy từ tầng 2 tòa nhà ban giám hiệu xuống sân trường tự tử vì làm mất vé xe và bị bảo vệ mời lên làm việc.

Cách đây 3 năm, dư luận chấn động vì vụ tự tử của nam sinh trường Ngô Quyền (Hải Phòng). Vẫn chưa rõ nguyên nhân nào khiến học sinh lớp 10 này tìm đến cái chết, làm gia đình, thầy cô và bạn bè không khỏi sốc và bàng hoàng. Nam sinh này đã để lại 5 bức thư tuyệt mệnh, trong đó có nhắc đến chuyện bị thầy mắng trên lớp.

Đau lòng những vụ học sinh, sinh viên tự tử ở Hải Phòng 1
Đau lòng những vụ học sinh, sinh viên tự tử ở Hải Phòng 2
Thư tuyệt mệnh của nam sinh trường Ngô Quyền

Năm ngoái, lại một nữ sinh sinh năm 1991 nhảy cầu tự tử ở khu vực cầu Niệm (phường Niệm Nghĩa, Lê Chân, Hải Phòng). Nạn nhân được xác định là Trần Thị L. (SN 1991, ở xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). L. là sinh viên năm thứ 2, trường đại học Hàng hải.

Theo gia đình nạn nhân, L. không may bị tai nạn giao thông vã gãy một bên chân. Lúc này là thời điểm L. đang chuẩn bị thi hết môn của năm học thứ 2. Bởi vậy, L. đã bỏ thi, xin bảo lưu kết quả học tập để đi chữa bệnh. Sau đó sức khỏe của L. đã dần hồi phục. Nữ sinh này đã tự đi lại được nhưng bên chân bị gãy vẫn còn hơi tập tễnh. Tuy nhiên, lúc này tinh thần của L. dường như suy sụp hoàn toàn.

Có lẽ do tiếc công sức học tập của cả một năm bỗng dưng mất trắng, cộng với sức khỏe bị giảm sút khiến thần kinh của cô có lúc không được ổn định, vững vàng. L. trở nên ít nói và tránh giao tiếp với người ngoài. Trước khi sự việc đau lòng xảy ra, gia đình buộc phải đưa L. đến điều trị tại bệnh viện tâm thần Hải Phòng. Do quá bi quan về cuộc sống, đến chiều ngày 1/7/2013, phát hiện thấy không có người trông coi, L. đã bỏ trốn khỏi bệnh viện đi ra cầu Niệm tìm đến cái chết.

Mới đây nhất, chiều 7/3, nhiều giáo viên và học sinh trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng) hoảng hốt khi thấy N.H.D (SN 1998, trú phường Đông Hải 1, quận Hải An), nữ sinh lớp 10 của trường, nhảy từ hành lang tầng 2 tòa nhà Ban giám hiệu xuống sân trường. Nhà trường và gia đình đã nhanh chóng đưa em đi cấp cứu. Theo bác sĩ, D. bị chấn thương cột sống, chấn thương sọ não, tụ huyết vùng đầu. Sau khi điều trị, tình trạng sức khỏe của nữ sinh đã có tiến triển tốt hơn.

Đau lòng những vụ học sinh, sinh viên tự tử ở Hải Phòng 3
Nữ sinh nhảy từ tầng 2 trường THPT Thái Phiên (Ảnh: Tiền Phong)

Theo gia đình, D. nhảy lầu tự tử do trước đó bị nhà trường truy hỏi về việc em làm mất vé xe và ở trường một bạn khác bị mất xe đạp điện. Bảo vệ trường đã tự ý mời D. lên văn phòng làm việc khiến em bị mất 3 tiết học. Việc này không được báo cáo với lãnh đạo trường cũng như chủ nhiệm lớp.

Cô Nguyễn Thị Ánh Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp của D., cho biết gia đình em thuộc diện nghèo, được nhà trường miễn học phí và các khoản đóng góp. Bản thân D. là học sinh học có học lực tốt. Việc nữ sinh N.H.D nhảy xuống sân trường tự tử đã khiến thầy cô và học sinh trường THPT Thái Phiên không khỏi hoảng hốt, sợ hãi.

Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra liên tục trong vài năm trở lại đây tại Hải Phòng đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, thương tiếc và nhất là đặt ra câu hỏi tại sao các nam sinh, nữ sinh lại dễ dàng đánh mất sinh mạng của mình vì những lý do không rõ ràng, hoặc quá nhỏ nhặt, để lại niềm đau khôn nguôi, nỗi ám ảnh cho gia đình, thầy cô và bạn bè. Rõ ràng, đây là một hiện tượng bất thường đang được dư luận quan tâm.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) khẳng định các vụ việc người trẻ dễ dàng tìm đến cái chết chỉ vì những lý do rất nhỏ, không hề nghiêm trọng, hoàn toàn có thể giải quyết được là một hiện tượng không hề bình thường, đáng báo động.

Tiến sĩ Hòa Bình từng chia rẻ rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ của các nam – nữ sinh trên. Một là cách phản ứng với xã hội nhưng lại thiếu chín chắn nên mới tìm đến cái chết như một cách phản kháng. Hai là do thiếu kỹ năng ứng xử trước các tình huống khó khăn trong cuộc sống. Vì tuổi đời còn ít, không va chạm nhiều, không chịu nổi áp lực nên chỉ vì những lý do nhỏ như bị thầy cô mắng, bị oan ức chưa kịp giải đáp, sợ xấu hổ với bạn bè nên mới dại dột tìm cách tự giải thoát.

Bởi vì những vụ tự tử ở Hải Phòng xảy ra trong thời gian gần, lại mang tính chất nguy hiểm, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình, người thân nên cách khắc phục tình trạng này cũng rất được dư luận quan tâm. Quan trọng nhất là gia đình, bạn bè, thầy cô nên chia sẻ kịp thời để những ai đang có tâm trạng tồi tệ, buồn chán nhanh chóng lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Điều này rất quan trọng để họ không tồn tại những suy nghĩ tiêu cực trong người, từ đó dẫn tới hành động nông nổi.

 

 

 


Ý kiến của bạn