Bất chấp tính mạng để sinh con trai nối dõi
Quan niệm cũ "trọng nam, khinh nữ" tồn tại và chi phối nếp nghĩ, nếp sống của người Việt cả nghìn năm qua. Tư tưởng lạc hậu này ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội và chống lại vấn đề bình đẳng giới. Những tưởng rằng, thời hiện đại, những câu chuyện phải sinh con trai bằng được không còn nữa, nhưng thực tế vẫn như ngọn lửa cháy âm ỉ ở nhiều gia đình.
Trong đó, người phụ nữ, người mẹ chịu nhiều đau khổ, ấm ức, lời xỉ vả "không biết đẻ" hay thậm chí hy sinh cả hạnh phúc, tính mạng vì những suy nghĩ lạc hậu này. Vì thế, Nhà nước đang có nhiều chính sách, giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, giúp các gia đình xây dựng hạnh phúc, đồng thời góp phần cân bằng tỉ số giới tính khi sinh.
Trên nhiều diễn đàn, những câu chuyện tương tự cũng diễn ra thường xuyên với cái kết đau lòng dành cho những người mẹ khi phải cố sinh bằng được đứa con trai để gia đình nhà chồng có "người nối dõi, cháu đích tôn".
Như, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu H. (quê Nghệ An), dù đã sinh được hai cô con gái xinh xắn, nhưng vì gia đình chồng chưa có cháu nối dõi tông đường nên hằng ngày vẫn bị giục sinh thêm đứa nữa. Dù có nhiều bệnh trong người nhưng vừa chiều chồng, thương mình vì chịu lời vào tiếng ra, chị đi khám để sinh thêm con.
Khi biết chị H. mang thai, gia đình chồng vui mừng, ai cũng háo hức chờ đón đó là cháu trai. Vì thế, chị H càng áp lực, mệt mỏi, càng không dám nói giới tính con. Ngày sinh, bác sĩ thông báo sinh con gái, cả nhà chồng phía ngoài cửa bỗng như chết đứng, ai mặt cũng xị xuống rồi dần dần bỏ ra về. Chỉ còn mẹ đẻ chị H. ở lại chờ con và cháu. Chồng chị thì sau đó đi uống rượu cả đêm không về nhà…
Nâng cao vai trò của phụ nữ, xóa bỏ tự ti mặc cảm
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những câu chuyện đau lòng về tư tưởng "trọng nam khinh nữ" dẫn đến áp lực đè nặng lên những người phụ nữ trong việc phải cố sinh cho bằng được một đứa con trai để nối dõi tông đường. Thực tế, sau nhiều chuyến công tác tại các địa phương để tìm hiểu về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta, chúng tôi đã từng chứng kiến có những phụ nữ bị chồng hành hung vì không biết đẻ con trai.
Theo thống kê của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế), từ năm 2000 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục tăng và tốc độ khó kiểm soát. Đây là một vấn đề nóng của ngành dân số, như Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa XII (Nghị quyết số 21-NQ/TW) về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định: Mất cân bằng giới tính (MCBGTKS) tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, MCBGTKS tuy diễn ra muộn hơn các nước châu Á, nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2014); năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái, năm 2016 là 112,2 bé trai/100 bé gái, năm 2018 tỉ số bất ngờ tăng tới 114,8 bé trai/100 bé gái; Năm 2019 đã giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao với tỷ số 111,5 bé trai/100 bé gái (số liệu thống kê chính thức cập nhật đến năm 2019).
Theo các chuyên gia lĩnh vực dân số, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2026 Việt Nam sẽ có khoảng 1,38 triệu nam giới không tìm được vợ. Kéo theo đó là những hệ luỵ tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội.
Tình trạng MCBGTKS đang diễn ra khá nghiêm trọng, không chỉ ở thành thị và cả khu vực nông thôn. MCBGTKS ở nước ta có nguồn gốc sâu xa là tình trạng bất bình đẳng giới, quan niệm cũ "trọng nam, khinh nữ" tồn tại và chi phối nếp nghĩ, nếp sống của người Việt cả nghìn năm qua.
Nghiêm trọng hơn, tỷ lệ phá thai gia tăng đe dọa sức khỏe, tính mạng của thai phụ. Không chỉ vậy, việc lựa chọn giới tính thai nhi còn dẫn tới sự mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…
Nhằm ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, Pháp lệnh Dân số và Nghị định số 114 của Chính phủ quy định nghiêm cấm và có chế tài xử phạt hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức như tư vấn, chẩn đoán giới tính thai nhi, sử dụng các biện pháp sinh con trai, phá thai… Thực hiện Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ, các bệnh viện đều không cho thai phụ hay gia đình thai phụ biết giới tính thai nhi.
Muốn khắc phục vấn nạn này không thể một sớm, một chiều, nó cần phải có một quá trình dài nhằm khắc phục tư tưởng "buộc phải có con trai để nối dõi tông đường". Giải pháp trước mắt là để nâng cao vai trò của người phụ nữ, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, phê phán ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử với nữ giới. Cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh.