Động đất kích thích có cường độ yếu
Theo Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều tối và đêm qua 23/8, tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tiếp tục xảy ra thêm 5 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 2,9. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Như vậy từ chiều qua đến rạng sáng 24/8, tại huyện Kon Plông ghi nhận 12 trận động đất liên tiếp. Trong đó trận đầu tiên có độ lớn 4,7 gây rung lắc mạnh, khiến người dân trong khu vực lo lắng. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua tại huyện miền núi Kon Plông.
PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện vật lý địa cầu, chuyên gia về động đất cũng cho rằng, động đất tại đây là động đất kích thích do hồ chứa nước. Khi nước thẩm thấu vào sâu lòng đất khiến đất đá thay đổi trạng thái, kích thích động đất xảy ra. Động đất tại Thủy điện Thượng Kon Tum cũng tương tự như Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Cường độ của động đất kích thích thường sẽ yếu hơn động đất tự nhiên. Khi người ta nghiên cứu tác động của động đất để xây thủy điện, thường lấy giá trị độ lớn của động đất tự nhiên là 5,5 Richter, do đó, động đất kích thích phải nhỏ hơn 5. Trận mạnh nhất hôm nay xảy ra có độ lớn 4,7, nghĩa là vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng của các công trình hồ chứa thủy điện.
PGS.TS Cao Đình Triều cho biết thêm, không có trường hợp nào động đất kích thích có độ lớn hơn động đất tự nhiên, vì vậy, các trận động đất kích thích thường có độ lớn dưới ngưỡng dự báo.
"Động đất dưới 5 hầu như không ảnh hưởng đến đập thủy điện. Nó chỉ gây ra tiếng nổ to nếu xảy ra ở độ sâu chấn tiêu nông khiến dân hoang mang. Ngoài ra, những công trình của người dân có chất lượng kém có thể xảy ra hiện tượng nứt; khu vực đất bở bị ảnh hưởng…", PGS.TS Triều nhận định.
Có thể kéo dài hàng chục năm
Theo nhận định của các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, tình trạng động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một thời gian dài với các trận động đất nhỏ nhưng thời gian gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ. Động đất tại đây được cho là động đất kích thích - do quá trình tích nước các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn.
Riêng trận động đất chiều 23.8 cũng chỉ 4,7 độ richter, và độ sâu chấn tiêu sâu đến 8.1 - 8.2km, tương đương các trận động đất trước đây tại Kon Tum và tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam từ năm 2012. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên rung lắc do dư chấn lại lan rộng, xa hàng trăm km.
Dư chấn trận động đất không chỉ gây rung lắc mạnh ở các huyện như Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Glie của Kon Tum, mà các tỉnh thành lân cận như Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và thậm chí Hội An, TP.Đà Nẵng xa trên 300km vẫn cảm nhận rung lắc rất rõ mặt đất, nhà cửa...
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) các trận động đất ở mức nhẹ và trung bình nhẹ từ 4.3 đến 5.9 độ richter thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Như vậy chưa tới mức ảnh hưởng nặng đến hạ tầng nhà cửa, phá hủy công trình.
Tuy nhiên việc xảy ra động đất với tần suất khá dày ở khu vực này đã khiến nhiều người dân lo ngại. Nhất là các khu vực dân cư dưới chân các công trình hồ đập thủy điện. Nhiều người dân đề nghị các nhà máy thủy điện ở khu vực gần Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi cần rà soát và đánh giá nhanh về hạ tầng đập thủy điện, phát hiện bất thường để theo dõi, cảnh báo sớm.
Tại Quảng Nam, khi công trình thủy điện Sông Tranh 2 tích nước (năm 2012) từng liên tiếp xảy động đất kích thích tương tự ở Kon Tum hiện nay. Động đất kích thích do tích nước thủy điện Sông Tranh từng gây xáo trộn đời sống xã hội người dân Quảng Nam thời gian dài. Đến năm 2018, có đến... 70 trận động đất lớn nhỏ. Tuy nhiên, cường độ và tần suất động đất giảm dần.
Cũng theo TS Nguyễn Hồng Phương, việc tuyên truyền để người dân không hoảng sợ hoặc lên phương án, kế hoạch ứng phó với động đất kích thích là việc của chính quyền địa phương. Các công trình xây dựng ở khu vực này phải tính toán đến yếu tố kháng chấn. Ở các địa phương nằm trong đới đứt gãy nói trên, hoặc động đất do tác động của các hồ chứa sẽ ít có khả năng xảy ra động đất mạnh. Riêng đối với động đất kích thích có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài chục năm mà không thể dự đoán được.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Công an thông tin mới về vụ “mẹ mìn” giả danh bác sĩ bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện | SKĐS