Đâu là mấu chốt để xây dựng vùng trồng dược liệu năng suất, chất lượng cao?

17-11-2023 08:09 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Chia sẻ với bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống về việc làm thế nào để trồng thu hái dược liệu mang lại hiệu quả cao nhất, PGS. TS Phạm Thanh Huyền cho rằng, cần được triển khai theo đúng kỹ thuật, các nguyên tắc và tiêu chuẩn GACP-WHO, Global GAP, hữu cơ…

Bảo tồn nhiều cây thuốc quý hiếm, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng

Tại chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn và chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu", PGS. TS Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu đã chia sẻ xung quanh việc trồng, phát triển và chế biến dược liệu.

Theo PGS. TS Phạm Thanh Huyền, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng, với trên 5.000 loài cây thuốc/cây dược liệu. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng các loài cây thuốc, bài thuốc trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đâu là mấu chốt để xây dựng vùng trồng dược liệu năng suất, chất lượng cao?- Ảnh 1.

PGS. TS Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu. Ảnh: Anh Tuấn.

Trong nhiều năm qua, kết quả điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu đã xác định có 160 loài cây thuộc thuộc diện cần bảo tồn; 50 loài có tiềm năng khai thác, 100 loài được trồng trọt với quy mô từ 10 ha trở lên. Nhu cầu dược liệu của Việt Nam khoảng 100.000 tấn/năm. Do khai thác trong nhiều năm không chú ý đến bảo vệ và tái sinh nên một số loài cây thuốc bị suy giảm nghiêm trọng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Từ năm 1988, Viện Dược liệu đã được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối triển khai Dự án bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc. Trải qua 35 năm, đã xây dựng được hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen trên 7 vùng sinh thái trên cả nước: Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng núi cao Tây Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ đã lưu giữ và bảo tồn được hơn 1.500 nguồn gen của gần 1000 loài cây thuốc.

Nghiên cứu khoảng 30 loài cây thuốc phụ vụ khai thác và phát triển. Triển khai dự án Bảo tồn cây thuốc cổ truyền, trong đó tập trung vào 15 dân tộc có nhiều kinh nghiệm sửa dụng cây thuốc, bài thuốc. Viện đã phối hợp với các Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên để bảo tồn tại chỗ nhiều loài cây thuốc, trong đó chú trọng đến các loài đặc hữu, quý, hiếm, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Xây dựng vùng trồng dược liệu đạt năng suất và chất lượng cao

Chia sẻ với bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống về việc làm thế nào để trồng thu hái dược liệu mang lại hiệu quả cao nhất, PGS. TS Phạm Thanh Huyền cho rằng, cần được triển khai theo đúng kỹ thuật, các nguyên tắc và tiêu chuẩn GACP-WHO, Global GAP, hữu cơ… tùy vào nhu cầu thực tế.

Trong đó, cần lưu ý đến các vấn đề về giống; quy trình nhân giống, trồng, chế biến dược liệu; chất lượng đất, nước và lịch sử vùng đất trồng; chất lượng dược liệu,…

Đâu là mấu chốt để xây dựng vùng trồng dược liệu năng suất, chất lượng cao?- Ảnh 2.

Chế biến dược liệu.

Để đảm bảo được các tiêu chí này cần phải hiểu rõ các nội dung, yêu cầu theo Thông tư 19/2019/TT-BYT; phối hợp với các đơn vị triển khai để thực hiện. Cần có đơn vị chuyên môn tư vấn về kỹ thuật khi triển khai. Mỗi một đối tượng cây dược liệu sẽ có những quy trình kỹ thuật khác nhau và cần có các quy trình kỹ thuật do các đơn vị chuyên môn tư vấn và chuyển giao để đảm bảo thành công của công tác nuôi trồng dược liệu.

Bên cạnh đó, PGS. TS Phạm Thanh Huyền cũng chia sẻ về công nghệ chế biến dược liệu của nước ta hiện nay. Theo đó, xu thế thế giới đã có nhiều thay đổi và công nghệ chế biến nói chung và công nghệ chế biến dược liệu nói riêng đã tiếp cận với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dược liệu.

Tùy từng đối tượng cây dược liệu sẽ có quy trình nhân giống, trồng, thu hái, chế biến khác nhau và theo tiêu chuẩn nhất định (GACP-WHO, Global GAP, hữu cơ…).

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có việc triển khai khai thác, trồng không đạt chuẩn và không theo quy trình nên chất lượng dược liệu bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng sản phẩm hạn chế và ảnh hướng đến chất lượng, hiệu quả công tác chữa bệnh. Do vậy, cần tiếp tục tuyền truyền, đào tạo và chuyển giao các quy trình kỹ thuật nhằm xây dựng vùng trồng dược liệu đạt năng suất và chất lượng cao.

Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trồng và phát triển cây dược liệu ở Quảng NamNhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trồng và phát triển cây dược liệu ở Quảng Nam

SKĐS - Nhằm giảm nghèo bền vững cho người dân các huyện vùng núi, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trồng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chứng thận hư thận yếu – hiểu đúng bệnh, chữa đúng cách | SKĐS


Mộc Trà
Ý kiến của bạn