1. Tăng tiết mồ hôi có thể gây nhiễm nấm
Chứng tăng tiết mồ hôi đặc trưng bởi tình trạng đổ mồ hôi (ở nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu, mặt và các vùng khác) vượt quá mức cơ thể cần để điều chỉnh nhiệt độ bên trong.
Tăng tiết mồ hôi có thể khiến người bệnh:
- Ra quá nhiều mồ hôi ở bàn chân, nách, bẹn... có thể gây những mùi hôi khó chịu.
- Ra mồ hôi quá nhiều ở tay khiến người bệnh ngại nắm hay bắt tay người khác.
- Tăng tiết mồ hôi ở mặt có thể làm người bệnh khó chịu, ngượng ngùng... ảnh hưởng đến việc giao tiếp với những người xung quanh.
Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng chứng tăng tiết mồ hôi quá mức có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm nấm, nấm da chân…
Chứng tăng tiết mồ hôi làm tăng nguy cơ nhiễm nấm ngoài da.
2. Các lựa chọn điều trị tăng tiết mồ hôi
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị hội chứng tăng tiết mồ hôi. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.
- Muối nhôm clorua: Có thể sử dụng cho những trường hợp tăng tiết mồ hôi nhẹ. Chất chống mồ hôi có chứa nhôm clorua giúp thấm hút mồ hôi hiệu quả.
Đây là chất dễ gây kích ứng da và viêm da. Do đó, cần thận trọng dùng cho bệnh nhân có cơ địa dị ứng, nhất là bệnh nhân nữ.
Sử dụng bằng cách bôi ở vị trí hay ra nhiều mồ hôi như bàn tay, nách, bàn chân… mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ đến khi đạt hiệu quả. Sau đó duy trì mỗi tuần một lần.
- Công nghệ điện chuyển ion: Đây là công nghệ sử dụng dòng điện thế thấp cho vùng cơ thể trị liệu ngâm trong nước điện ion, các phân tử ion sẽ vô hiệu hóa hoạt động của tuyến mồ hôi. Liệu pháp này khá an toàn, tuy nhiên thời gian tác dụng ngắn, do đó cần phải thực hiện nhiều lần. Liệu pháp này có thể gây khó chịu nhẹ, kích ứng da.
- Thuốc kháng cholinergic: Thuốc kháng cholinergic có hiệu quả trong việc giảm chứng đổ mồ hôi toàn thân. Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Một số thuốc thường dùng: Glycopyrrolate, oxybutynin…
Glycopyrronium tosylate (qbrexza), được FDA chấp thuận vào năm 2018 là thuốc kháng cholinergic tại chỗ duy nhất được sử dụng để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi.
Mới đây, Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt thuốc sofdra (sofpironium) dạng gel bôi ngoài da để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi. Thuốc sofdra được chấp thuận cho người lớn và trẻ em từ 9 tuổi trở lên.
Sofpironium là một loại thuốc kháng cholinergic, nhắm trực tiếp vào việc sản xuất mồ hôi ở một vùng cụ thể chứ không phải là một viên thuốc tác động đến toàn bộ cơ thể nên thuốc có thể gây ra ít tác dụng phụ hơn. Một số tác dụng thường gặp như khô miệng và táo bón.
- Tiêm botox: Có thể sử dụng tiêm botox cho các trường hợp tăng tiết mồ hôi ở nách và sử dụng muối nhôm kém hiệu quả. Tiêm botox có tác dụng ngăn chặn các dây thần kinh kích thích tuyến mồ hôi, và thường có tác dụng kéo dài vài tuần đến vài tháng trước khi phải tiêm nhắc lại.
Lưu ý: Tiêm botox có thể gây hoại tử và viêm tắc tuyến mồ hôi gây đau, nhiễm trùng.
- Phẫu thuật cắt hạch giao cảm: Phẫu thuật thường được thực hiện nếu các biện pháp khác không thành công hoặc người bệnh gặp nhiều tác dụng phụ. Phẫu thuật cắt hạch giao cảm ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật nhanh, tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, phẫu thuật cũng giúp điều trị bệnh triệt để và tỷ lệ tái phát thấp.
3. Lưu ý khi điều trị
Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:
- Đến khám tại các cơ sở y tế uy tín.
- Không tự ý điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Cần thông báo ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ra nhiều mồ hôi có phải là bệnh?