Rối loạn khớp thái dương hàm do đâu?
Khớp thái dương hàm là khớp nằm ở hai bên đầu, ngay phía trước tai, nối xương hàm dưới với xương thái dương. Để hệ cơ xương hoạt động bình thường, đảm bảo việc nhai, nuốt, nói hoặc ngáp, khớp thái dương hàm cần xoay hoặc di chuyển ra trước - sau, từ bên này sang bên kia.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây rối loạn khớp thái dương hàm, nhưng có một số yếu tố cho là yếu tố thuận lợi:
- Thói quen cắn chặt hai hàm răng với nhau - hay gặp khi bạn tập trung hoặc lo lắng quá mức.
- Nghiến răng vào ban đêm khi ngủ hoặc thậm chí vào ban ngày.
- Các khớp và cơ bị căng do thói quen cắn bút, cắn móng tay hoặc giữ điện thoại giữa cổ và vai.
- Các cơ hoạt động quá mức do ăn đồ dai hoặc nhai kẹo cao su.
Các yếu tố nguy cơ rối loạn khớp thái dương hàm thường thấy gồm:
- Do yếu tố di truyền ảnh hưởng đến cấu tạo, hành động và khiến khớp thái dương hàm bị sai lệch.
- Do tật nghiến răng.
- Do thói quen ăn uống không khoa học.
- Do hàm răng thưa, lệch lạc.
Biểu hiện rối loạn thái dương hàm
Khi bị rối loạn thái dương hàm, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: đau, nhức trong hoặc xung quanh tai, khớp hàm, cơ hàm, mặt hoặc thái dương. Các hoạt động nhai thức ăn, ngáp, nói chuyện,... liên quan đến khớp thái dương - hàm cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí ở một số người, chứng rối loạn nặng khiến họ khó có thể đóng hoặc mở miệng, phát ra tiếng kêu lạo xạo khi dùng cơ xương hàm, nhai ngáp hoặc mở miệng.
Biểu hiện ban đầu của chứng rối loạn khớp thái dương - hàm thường không rõ ràng, người bệnh chỉ thấy các triệu chứng:
- Đau vùng má hoặc thái dương, có thể lan xuống vùng cổ, đau tăng khi ngủ dậy hoặc khi nhai.
- Tiếng kêu "click" khi há ngậm miệng.
- Khó há miệng.
- Ù tai.
- Đôi khi có thể đau đầu.
Người bệnh rối loạn thái dương hàm cần làm gì?
Rối loạn thái dương hàm một bệnh lý thường không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh có thể tự khỏi và rất dễ tái phát. Các triệu chứng thường nặng hơn khi bệnh nhân bị căng thẳng tâm lý, stress hoặc trầm cảm...
Tùy thuộc nguyên nhân gây rối loạn cơ khớp thái dương hàm của bệnh nhân mà có phương pháp điều trị cụ thể, kèm theo đó là giảm đau cơ khớp, giãn cơ, tập vật lý trị liệu như xoa bóp, chiếu tia hồng ngoại, tập vận động dưới hàm, đeo máng nhai.
Kết hợp với hướng dẫn bệnh nhân các biện pháp đơn giản tại nhà như:
- Chế độ ăn mềm: các món canh ninh hầm, cháo sữa, sinh tố trong 2 - 4 tuần đầu.
- Tránh cử động mạnh như ngáp quá to, nhai kẹo cao su, cấm đưa hàm sang 2 bên, ăn quá cứng - quá to - quá dai - quá nhiều.
Điều quan trọng nhất khi tập các bài tập ở nhà là không được làm tổn thương thêm các cơ hàm. Khi có dấu hiệu đau tăng phải đi khám chuyên khoa càng nhanh càng tốt.
Lời khuyên của bác sĩ
Người bệnh đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình điều trị cho bản thân, nếu họ không hợp tác chắc chắn các triệu chứng không thể thuyên giảm. Hãy thực hiện như sau:
- Không cắn chặt hai hàm răng vào nhau. Vị trí tốt nhất của hàm dưới là các răng hai hàm tách nhẹ khỏi nhau và không di chuyển qua lại, điều này giúp cho khớp thái dương hàm và các cơ có thời gian để nghỉ ngơi và liền thương. Các răng của bạn chỉ nên chạm nhau khi nhai, nuốt và nói.
- Tránh há miệng quá to.
- Tránh thói quen cắn móng tay hoặc nhai kẹo cao su.
- Tránh các tư thế mà gây căng cơ ở cổ và vai như nằm sấp.
- Nên ăn mềm, tránh các đồ ăn dai, cứng.
- Tránh uống cà phê và hút thuốc.
- Thuốc giảm đau như paracetamol và ibuprofen được sử dụng trong thời gian ngắn khi bệnh nhân bị đau nhiều.
- Cố gắng giảm stress, nên nghỉ ngơi, dành ít nhất 10 - 15 phút mỗi ngày để thư giãn.
- Hạn chế mở miệng đột ngột hoặc quá rộng nhất là khi ăn hoặc ngáp.
- Từ bỏ thói quen cắn móng tay.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Nếu các triệu chứng không giảm khi áp dụng các biện pháp trên, người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm video được quan tâm:
Bị sốt xuất huyết có nên uống nhiều nước dừa?