Hà Nội

Đau họng, sốt, ho, coi chừng bệnh bạch hầu!

27-07-2016 14:37 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh bạch hầu đang bùng phát tại tỉnh Bình Phước. Tính đến ngày 18/7, đã có tới 60 người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh và đã có 3 người tử vong.

Bệnh bạch hầu đang bùng phát tại tỉnh Bình Phước. Tính đến ngày 18/7, đã có tới 60 người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh và đã có 3 người tử vong. GS.TS.BS. Nguyễn Thanh Bảo - Khoa Vi sinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vi khuẩn bạch hầu thường gặp nhất ở bệnh viêm họng. Khi bị viêm họng thì nên đi khám. Nếu khi khám phát hiện thấy màng giả màu trắng ở vòm họng, người bệnh nên chích ngừa kháng độc tố điều trị để ngăn ngừa biến chứng.

Chích ngừa triệt để cho người dân

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và lãnh đạo ngành y tế tỉnh Bình Phước, đây là lần đầu tiên bệnh bạch hầu xuất hiện tại Bình Phước, người mắc bệnh chủ yếu từ 6 - 26 tuổi. Ngày 18/7, đã có tới 60 người nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh bạch hầu ở địa phương này và đã có 3 người tử vong, 8 người đã xuất viện. Những bệnh nhân còn lại đang được theo dõi tại các bệnh viện đa khoa của tỉnh, Bệnh viện Binh đoàn 16 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Tính đến trưa 18/7, bệnh bạch hầu không chỉ dừng ở hai xã Thuận Lợi và Thuận Phú, mà đã lây lan sang một bệnh nhi 4 tuổi tại xã Đồng Tâm của huyện Đồng Phú. Trước tình trạng gia tăng số người mắc bệnh và độ lan rộng hơn, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu ngành y tế tỉnh Bình Phước khoanh vùng dịch, tất cả những người có biểu hiện ban đầu của bệnh bạch hầu như: đau họng, sốt, ho… đều được cách ly điều trị. Hiện nay khu vực cách ly điều trị bệnh bạch hầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước đã kín bệnh nhân.

bach hauẢnh minh hoạ

Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết, hiện đã cử nhân viên y tế xuống các địa phương của tỉnh Bình Phước để giúp phòng chống dịch và chích ngừa. Sáng ngày 18/7, Ban Giám đốc Sở Y tế Bình Phước đã họp với Viện Parteur TP.HCM để triển khai việc chích ngừa triệt để cho người dân trong vòng 2 - 3 ngày tới.

Trước đó, ngày 14/7, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan và bùng phát dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế xuất 10.000 liều vắc xin Td phòng chống dịch bạch hầu, dành cho nhóm tuổi từ 6 - 26 tuổi tại 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Tại TP.HCM, để phòng tránh dịch bệnh, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu đăng tải những thông tin về phòng chống bệnh bạch hầu trên các trang web của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM (T4G)... để khuyến cáo các trung tâm y tế dự phòng quận/huyện và người dân để phòng tránh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, Sở cũng rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là những mũi tiêm cơ bản cũng như các mũi tiêm nhắc lại về bệnh bạch hầu; chỉ đạo cho các quận, huyện, nhất là các bệnh viện có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu điều trị chuẩn bị vật tư, thuốc men, thiết bị y tế khi có dịch xảy ra…

Dịch không bùng phát theo mùa rõ rệt

Theo GS.TS.BS. Nguyễn Thanh Bảo, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 - 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp sẽ dễ bị bệnh hơn.

Dịch bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bị lây nhiễm. Vi khuẩn bạch hầu thường gặp nhất ở bệnh viêm họng. Viêm họng tạo màng giả trong vòm họng. Người bệnh khi ho hắt hơi thì vi khuẩn sẽ phát tán ra chung quanh theo đường không khí hoặc tiếp xúc qua da khi bị trầy xước dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.

Các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp gây ngạt thở cho người bệnh. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác,vi khuẩn bạch cầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi dobị ngọng thanh quản.

GS. Nguyễn Thanh Bảo khuyến cáo, cách phòng bệnh thì trẻ nên được chích ngừa 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau 1 tháng, sau đó 1 năm sau thì chích nhắc lại và sau 5 năm thì chích nhắc lại một lần nữa. Khi bị viêm họng thì nên đi khám liền. Nếu khi khám phát hiện thấy màng giả màu trắng ở vòm họng thì người bệnh nên chích ngừa kháng độc tố điều trị để ngăn ngừa biến chứng.

Đối với bệnh bạch hầu thì sau khi phát hiện bệnh, để ngừa các triệu chứng độc tố của vi khuẩn thì người bệnh sẽ được chích ngừa kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tố tác động lên tim, thận và các hệ thần kinh khác. Sau đó người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh như Penicilin, Ampicilin, Erythromycin, Rifampycin, Clindamycin, Cephalosporin… Nhưng Penicilin thường được dùng nhất.


NGUYỄN HUYỀN
Ý kiến của bạn