Nhiều nguyên nhân gây đau họng
Do vi khuẩn Streptococcus
Vi khuẩn này khiến người bệnh có cảm giác đau, sưng, hình thành mủ trắng ở niêm mạc miệng, sưng hạch bạch huyết vùng cổ và sốt cao. Người bệnh không có biểu hiện hắt xì hơi, không chảy nước mũi. Vi khuẩn này gây đau họng ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị kháng sinh rất chặt chẽ.
Do trào ngược dạ dày thực quản
Người bệnh bị đau họng do nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản dễ bị bỏ sót. Bởi acid từ dạ dày trào lên thực quản sẽ kích ứng họng gây đau. Người bệnh thường ho khan, cảm giác nghẹn cổ họng, khó nuốt. Điều trị đau họng dạng này cần chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản và thay đổi thói quen ăn nhiều dầu mỡ, cà phê, rượu, đạm và sẽ được sử dụng thuốc theo chỉ định.
Đau họng do dị ứng
Một số trường hợp người bệnh bị dị ứng, hắt xì hơi, chảy nước mũi, chất nhầy từ niêm mạc mũi chảy xuống vùng họng cũng gây đau, kích ứng.
Đau họng do thời tiết khô
Không khí khô làm giảm độ ẩm khiến vùng miệng đến họng sẽ có cảm giác khô, ngứa, thường xảy ra vào mùa lạnh.
Đau họng do cảm lạnh hoặc cảm cúm
Phần lớn người bệnh đau họng do nhiễm virus sau khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Lúc này người bệnh có dấu hiệu thường gặp như chảy mũi nước, sốt nhẹ, hắt xì hơi, ho, mệt mỏi... Người bị cảm cúm còn sốt cao, đau cơ. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ khám để tìm đúng bệnh, bởi nếu đau họng do virus thì uống kháng sinh không có tác dụng điều trị. Người bệnh cần súc họng bằng nước muối ấm, thuốc không kê đơn (viêm ngậm, bình xịt vệ sinh vùng mũi họng).
Đau họng do khói thuốc và hóa chất
Một số yếu tố gây kích ứng vùng họng như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, các sản phẩm làm sạch hoặc các hóa chất tẩy rửa.
Đau họng do chấn thương
Những chấn thương trong tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… đều có thể gây đau họng. Thậm chí nói nhiều, la hét lớn, hát rống quá to, hát trong thời gian dài cũng sẽ gây đau họng.
Đau họng do khối u
Ở vùng họng, thanh quản hoặc lưỡi là những nguyên nhân hiếm gặp gây đau họng. Nếu họng đau do ung thư gây ra thì sẽ không tự hết hay biến mất như bệnh đau họng thông thường.
Đau họng do bệnh tuyến giáp
Đau họng có thể kèm cổ to, nuốt vướng, nuốt khó…
Đau họng khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết đau họng là lành tính, nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan. Đau họng có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau. Vì vậy, khi có biểu hiện thì cần đi khám bác sĩ chuyên về tai mũi họng để tìm đúng nguyên nhân, điều này sẽ giúp cho bạn mau hết bệnh, đặc biệt khi đau họng có các đặc điểm sau: Đau họng càng lúc càng nặng. Bệnh không giảm sau 3 ngày. Đau họng kèm theo sốt trên 39 độ C nhưng kéo dài trên 2 ngày. Khó thở. Hoặc đau họng ở người đã từng hoặc đang mắc bệnh hen phế quản, các bệnh về tim, tiểu đường, HIV, đang mang thai… vì sẽ dễ gặp nguy hiểm nếu xảy ra biến chứng do viêm họng.
Phòng ngừa đau họng thế nào?
Để phòng ngừa bị đau họng, mỗi người cần phòng ngừa bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, bệnh trào ngược acid dạ dày, ung thư vòm họng, bằng cách:
- Tiêm vaccine phòng ngừa bệnh cúm; Tiêm vaccine phòng ngừa HPV, là một trong các tác nhân gây ung thư vòm họng.
- Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh bằng cách mặc ấm, choàng khăn, ăn uống đồ ấm, hạn chế uống nước đá.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt khi đến nơi đông người.
- Hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HPV, tác nhân gây ung thư vòm họng.
- Thực hành thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Hạn chế ăn các đồ chua, cay, nóng gây kích ứng niêm mạc họng dẫn đến ho và viêm.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, nội soi tai mũi họng ít nhất mỗi năm một lần để tầm soát ung thư vòm họng.
- Ăn uống điều độ khoa học, tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói, không nên nằm ngay khi vừa ăn xong để tránh bị trào ngược dạ dày, vì đây là tác nhân gây đau họng.
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày rất tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.