Dấu hiệu viêm cầu thận cấp

20-03-2021 10:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm cầu thận cấp có các biểu hiện phù, tăng huyết áp, đái ít hoặc vô niệu.

Nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm suy tim cấp, phù não cấp, suy thận cấp (các biến chứng này chiếm khoảng 10% các trường hợp viêm thận).

Bệnh viêm cầu thận cấp có tỷ lệ mắc phải cao sau vài ngày xuất hiện tình trạng viêm họng, viêm tai hoặc viêm da mủ do nhiễm liên cầu khuẩn beta  tan máu nhóm A. Vì thế không nên chủ quan khi nghĩ là viêm họng, hay viêm da là bệnh nhẹ có thể tự chữa trị mà không đến bác sĩ thăm khám cẩn thận. Ngoài liên cầu khuẩn, viêm cầu thận cấp có thể mắc phải sau viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm màng trong tim chậm osler, nhiễm khuẩn huyết, quai bị, thủy đậu, Lupus ban đỏ, nhiễm nấm, ký sinh trùng nhưng ít gặp hơn.

Điều nguy hiểm là bệnh viêm cầu thận cấp thường diễn tiến một cách thầm lặng, kín đáo, không có triệu chứng lâm sàng nên người bệnh không biết mình bị bệnh. Chỉ đến khi tình cờ đi khám bệnh khác, hoặc qua kiểm tra máu, nước tiểu tại cơ sở y tế thấy có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu mới phát hiện bệnh. Tuy thế, trong nhiều trường hợp, bệnh cũng có thể phát triển hết sức rầm rộ.

Dấu hiệu nhận biết

Phù: Phù rất thường gặp, là dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh có thể cảm nhận được. Người mắc bệnh có cảm giác nặng mặt, soi gương thấy 2 mí mắt sưng nề, hai chân phù, rõ nhất là quanh cổ chân. Ngoài nhìn thấy chân phù to bằng mắt thường, có thể kiểm tra bằng cách ấn mạnh ngón cái vào vị trí trước xương chày chạy quanh mắt cá, thấy da thịt mềm, vết ấn lõm rõ, lâu sau mới hồi lại. Thường phù nhiều về sáng, chiều tối giảm phù. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng chỉ thường gặp trong 10 ngày đầu, sẽ giảm đi nhanh chóng khi người bệnh tiểu nhiều. Tiểu nhiều là sự mở đầu của sự hồi phục về lâm sàng: phù giảm, huyết áp giảm, người bệnh có cảm giác dễ chịu, nhẹ nhõm, ăn ngon.

Viêm cầu thận cấp có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Viêm cầu thận cấp có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Biến đổi nước tiểu: Nước tiểu màu vàng, số lượng ít, có protein niệu (đạm trong nước tiểu). Thời gian tồn tại của đạm có ý nghĩa tiên lượng của bệnh và là yếu tố quan trọng để đánh giá kết quả điều trị.

Tiểu ít (thiểu niệu, vô niệu): Tình trạng thiểu niệu bao giờ cũng có, khối lượng nước tiểu dưới 500ml/ngày, thường gặp trong tuần đầu của bệnh và kéo dài trong 3-4 ngày, không có tăng ure và creatinin máu hoặc là tăng không đáng kể. Tình trạng thiểu niệu có thể tái phát trở lại trong 2-3 tuần đầu. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp tính, thiểu niệu, vô niệu kéo dài tăng ure, creatinin máu. Nếu suy thận cấp tái diễn nhiều đợt là một dấu hiệu xấu, nguy cơ có thể dẫn đến viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận mạn...

Tăng huyết áp: Là triệu chứng thường gặp, chiếm tới 50% trong các trường hợp viêm cầu thận cấp. Tăng huyết áp dao động ở trẻ em 140/90mmHg, ở người lớn 160/90mmHg. Một số trường hợp tăng huyết áp kịch phát và tương đối hằng định kéo dài trong nhiều ngày với huyết áp khoảng 180/100mmHg, người bệnh có cảm giác đau đầu dữ dội, choáng váng, co giật, hôn mê do phù não, có thể dẫn đến tử vong.

Tiểu ra máu: Tiểu ra máu toàn bãi, nước tiểu có màu đỏ đục như nước rửa thịt. Mỗi ngày đi tiểu ra máu toàn bãi 1-2 lần, không thường xuyên, xuất hiện trong tuần đầu, nhưng có thể xuất hiện trở lại trong 2-3 tuần. Số lần tiểu ra máu thưa dần, 3-4 ngày bị 1 lần rồi hết hẳn. Tiểu ra máu trong viêm cầu thận cấp tính không ảnh hưởng đến tình trạng chung của cơ thể. Tiểu ra máu là một dấu hiệu quan trọng trong chẩn đoán viêm cầu thận cấp tính.

Suy tim: Suy tim thường kèm với tăng huyết áp kịch phát, do tăng khối lượng tuần hoàn đột ngột và cũng có thể do bệnh lý cơ tim trong viêm cầu thận cấp tính. Suy tim cấp tính với biểu hiện khó thở, không nằm được và có thể dẫn đến phù phổi: người bệnh khó thở dữ dội, toát mồ hôi, thở nhanh và nông, co rút hố trên ức, hố trên đòn, co rút khoang gian sườn; ho và khạc ra bọt màu hồng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như: sốt nhẹ (37,5-38,5oC); đau tức vùng thận, có thể có cơn đau quặn thận; đau bụng, bụng trướng nhẹ, buồn nôn, đi lỏng, không ít trường hợp viêm cầu thận cấp mở đầu bằng cơn đau bụng cấp tính.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu bệnh viêm cầu thận cấp được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ hồi phục có thể rất cao, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân nhỏ tuổi, tỷ lệ phục hồi cao hơn bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3-8 tuổi, trẻ trai hay mắc phải hơn trẻ gái với tỷ lệ là 2/1. Vì thế cha mẹ, người lớn trong nhà không nên chủ quan khi trẻ nhỏ bị ốm. Khi có biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da hay các biểu hiện của viêm cầu thận, nên tới các cơ sở y tế khám, tuân thủ điều trị để bệnh nhanh khỏi. Để phòng bệnh viêm cầu thận cấp, cần tuân thủ quy tắc vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh. Người viêm cầu thận cấp cần hạn chế ăn muối, khi có suy thận cần chế độ ăn giảm đạm, kali và nghỉ ngơi tuyệt đối khi có tăng huyết áp.


ThS.BS. Nguyễn Văn Liên
Ý kiến của bạn