Dấu hiệu và cách xử trí bệnh tay - chân - miệng

14-10-2019 06:57 | Đời sống
google news

SKĐS - Con trai tôi 11 tháng tuổi, mấy ngày nay cháu biếng ăn, chỉ hơi ấm đầu, lợi sưng đỏ và chảy dãi nên nghĩ cháu mọc răng.

Nhưng từ hôm qua thấy xuất hiện mấy nốt ban đỏ ở mông và tay. Xin hỏi như thế có phải là biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng? Cần dùng thuốc gì?

Hoàng Thị Vân Anh (Hà Nội)

Đúng ở tuổi này là bé đang tuổi mọc răng và khi bé mọc răng thường cũng mất vài ngày sưng đau lợi chỗ răng mọc, biếng ăn và kèm cả tiêu chảy. Tuy nhiên, bé có ban ở mông và lòng bàn tay thì rất có thể đó là bị bệnh tay - chân - miệng. Dấu hiệu điển hình của tay - chân - miệng là phát ban dạng phỏng nước ở trong miệng, trong lòng bàn tay, bàn chân. Cụ thể: Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày, trẻ thường không có triệu chứng gì hoặc chỉ ươn người và biếng ăn. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh như: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Đồng thời phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Theo thư bạn mô tả thì bé đang ở thể bệnh nhẹ có thể theo dõi và điều trị tại nhà bằng vệ sinh tay chân sạch sẽ, chăm sóc ăn uống và vệ sinh miệng bằng nước muối loãng. Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng thêm bé có nôn và sốt cao thì bạn nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi và điều trị đúng.


BS. Trần Mạnh Toàn
Ý kiến của bạn