Dấu hiệu ung thư cổ tử cung qua các giai đoạn

25-02-2025 11:51 | Ung thư

SKĐS - Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư gây tử vong cao ở nữ giới. Tuy nhiên, nếu chủ động phòng ngừa, tầm soát và phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung

Các triệu chứng ban đầu của ung thư cổ tử cung thường mơ hồ và tiến triển âm thầm, khiến người bệnh khó nhận biết. Khi các dấu hiệu rõ ràng xuất hiện, thường là lúc tế bào ung thư đã di căn sang nhiều cơ quan khác.

Mặc dù các phương pháp điều trị vẫn có thể mang lại hiệu quả ở giai đoạn này, nhưng quá trình can thiệp trở nên phức tạp và tốn kém. Trong trường hợp nghiêm trọng, người phụ nữ có thể phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng và các hạch bạch huyết xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh con.

Một số dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
  • Chảy máu âm đạo bất thường, đặc biệt sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh, sau mãn kinh hoặc sau khám phụ khoa.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung qua các giai đoạn- Ảnh 1.

Tiêm vaccin phòng virus HPV được coi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

  • Dịch tiết âm đạo bất thường, có màu xám đục và mùi hôi.
  • Khó chịu khi đi tiểu, tiểu nhiều lần.
  • Đi tiểu hoặc đi ngoài ra máu (dấu hiệu ung thư đã xâm lấn bàng quang hoặc trực tràng).
  • Kinh nguyệt không đều, kéo dài.
  • Sút cân và mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Tùy vào loại ung thư cổ tử cung, bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gai (Squamous cell carcinoma): Đây là dạng ung thư xuất phát từ các tế bào mỏng, phẳng ở bề mặt ngoài của cổ tử cung. Đây là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80-85% tổng số ca mắc và thường do nhiễm virus HPV.
  • Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma): Loại ung thư này xảy ra ở các tế bào tuyến của phần trên cổ tử cung, chiếm khoảng 10-20% tổng số trường hợp.
  • Các loại ung thư cổ tử cung khác như ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư mô liên kết – tuyến, ung thư biểu mô tuyến – tế bào gai, ung thư lympho và ung thư hắc tố: Những loại này ít phổ biến hơn, không liên quan đến virus HPV và không thể phòng ngừa dễ dàng như ung thư biểu mô tế bào gai.
Thông thường, ung thư cổ tử cung phát triển qua các giai đoạn như sau:
  • Giai đoạn 0: Chưa có tế bào ung thư xuất hiện, nhưng các tế bào bất thường bắt đầu hình thành và có khả năng phát triển thành ung thư trong tương lai. Đây là giai đoạn tiền ung thư, còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
  • Giai đoạn I: Ung thư chỉ xuất hiện bên trong cổ tử cung, chưa lan rộng ra các khu vực khác.
  • Giai đoạn II: Ung thư bắt đầu lan ra bên ngoài cổ tử cung và xâm lấn các mô xung quanh, nhưng chưa lan đến các mô lót khung chậu hoặc phần dưới của âm đạo.
  • Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã xâm lấn phần dưới của âm đạo và các mô lót khung chậu.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như ruột, bàng quang, phổi…

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư cổ tử cung có thể tiến triển xấu và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh, bao gồm:

  • Vô sinh: Các khối u xâm lấn và ảnh hưởng đến cổ tử cung, nơi diễn ra sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng. Trong một số trường hợp, để điều trị triệt để và bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhân, cần phải cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng, dẫn đến việc phụ nữ mất đi khả năng làm mẹ. Ngoài ra, việc cắt buồng trứng có thể làm quá trình mãn kinh diễn ra sớm hơn.
  • Ảnh hưởng tâm sinh lý: Bệnh có thể gây rối loạn cảm xúc, với nhiều trường hợp người bệnh phải đối mặt với trầm cảm và tan vỡ hạnh phúc gia đình.
  • Chảy máu bất thường: Khi các khối u xâm lấn vào âm đạo hoặc di căn đến ruột và bàng quang, người bệnh có thể gặp phải tình trạng chảy máu, đặc biệt khi đi tiểu có lẫn máu.
  • Suy thận: Nghiên cứu cho thấy các khối u có thể chèn ép niệu quản, gây tắc nghẽn dòng nước tiểu ra khỏi thận. Khi nước tiểu tích tụ lâu ngày, thận có thể sưng lên, dẫn đến nguy cơ hình thành sẹo và suy giảm chức năng thận.

Lời khuyên thầy thuốc

Tiêm vaccin phòng virus HPV được coi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus HPV, chị em phụ nữ nên thực hiện những khuyến cáo sau:

Không quan hệ tình dục sớm: Đặc biệt là ở độ tuổi vị thành niên, khi cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện và còn nhạy cảm.

Quan hệ tình dục an toàn: Tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, vì điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV, đặc biệt nếu bạn tình có nhiều bạn tình khác.

Vệ sinh sạch sẽ vùng kín: Đặc biệt trong các kỳ kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục để giữ gìn sức khỏe. Ngoài ra, đến ngay cơ sở chuyên khoa để kiểm tra và điều trị kịp thời khi có những triệu chứng bất thường.

WHO bổ sung vaccine HPV thứ tư ngừa ung thư cổ tử cungWHO bổ sung vaccine HPV thứ tư ngừa ung thư cổ tử cung

SKĐS - Trong thông báo mới đây của WHO cho biết, vaccine ngừa virus papilloma ở người (HPV) thứ tư - Cecolin - đã được WHO tiền thẩm định, có thể sử dụng theo lịch tiêm một liều duy nhất.

BS. Nguyễn Văn Thanh
Ý kiến của bạn