Hà Nội

Dấu hiệu trẻ bị tự kỷ

15-01-2014 08:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh của não bắt đầu từ trẻ nhỏ và phát triển kéo dài suốt đời ảnh hưởng đến cách giao tiếp và quan hệ đối với người xung quanh.

Con tôi hơn 2 tuổi nhưng vẫn chưa nói sõi. Cháu rất hiếu động, hay nghịch ngợm và phá đồ vật, nhưng đôi khi lại không thích tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tôi rất lo lắng không biết có phải cháu có dấu hiệu của bệnh tự kỷ hay không? Xin quý báo tư vấn giúp cách nhận biết trẻ bị tự kỷ như thế nào?

Nông Văn Hùng (Cao Bằng)

Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh của não bắt đầu từ trẻ nhỏ và phát triển kéo dài suốt đời ảnh hưởng đến cách giao tiếp và quan hệ đối với người xung quanh. Bố mẹ thường khó phát hiện sự bất thường của con mình vì cho đến trước 2 tuổi, sự phát triển của trẻ dường như diễn ra bình thường. Các cháu vẫn có vẻ ngoài dễ thương hiền lành, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt. Chỉ đến khi đã hơn 2 tuổi mà không chịu nói gì hoặc không nói nữa (nếu trước đó đã bập bẹ vài từ) và có một số ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi, cha mẹ mới nghi ngờ về sự phát triển của con mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ cho đó là biểu hiện của cá tính của trẻ.

Cha mẹ cần quan tâm chăm sóc, chú ý những dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ để đưa con đi khám và điều trị sớm. Ảnh minh họa

Có một số dấu hiệu cần chú ý quan sát xem con mình có mắc bệnh tự kỷ hay không:

- Trẻ đã 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ, gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ.

- Trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ vào độ tuổi nào đó (14-16 tháng) nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn, thường là sau khi trải qua một sự kiện như ngã ở nhà trẻ, lên sởi, nằm viện...

- Không bị lôi cuốn vào các đồ chơi, trò chơi.

- Rất ít hứng thú kết bạn.

- Không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu, chẳng hạn chiếc quạt đang quay, không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên.

- Có các động tác cơ thể lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập đập tay, lắc lư thân thể.

- Khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì đấy thì hét lên (tiếng kêu chói tai), bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường.

- Không thích người khác động chạm vào người,…

Cha mẹ cần chú ý, một số dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện ở trẻ em bình thường nhưng chỉ tồn tại đơn lẻ. Nếu thấy các dấu hiệu xuất hiện đồng thời và kéo dài, cần đưa cháu đi khám kiểm tra xem cháu có bị tự kỷ hay không. Khi đã được chẩn đoán mắc tự kỷ cần được điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa Nhi,  tâm thần nhi, bác sĩ tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Bình

 


Ý kiến của bạn