Dấu hiệu tố bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

27-05-2015 09:57 | Y học 360
google news

SKĐS - Trào ngược dạ dày - thực quản (TNDD-TQ) có nhiều mức độ khác nhau nhưng nhìn chung đều có một số biểu hiện điển hình. Nóng rát là triệu chứng hay gặp nhất. Cảm giác nóng, rát ở vùng xương ức được gây ra do trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản.

Niêm mạc thực quản bị kích thích mạnh bởi dịch vị (HCL, dịch mật hoặc thức ăn trộn lẫn) làm cho người bệnh có cảm giác nóng rát lan từ vùng trên rốn lên dọc theo phía sau xương ức và cả vùng hạ họng. Biểu hiện này xuất hiện sau khi ăn, lúc cúi xuống hoặc khi nằm ngửa. Triệu chứng nóng, rát có thể được giảm bớt do dùng thuốc trung hòa dịch vị, ngồi hay đứng dậy đi lại hoặc uống nước. Kèm theo là ợ chua, là triệu chứng thường có sau khi ăn hoặc khi nằm, đổi tư thế hoặc khi gắng sức.

Một số trường hợp bệnh không điển hình có thể thấy nuốt vướng, nuốt khó hoặc nuốt đau phía sau xương ức. Nuốt khó xuất hiện khoảng 1/3 số người bệnh bị TNDD-TQ. Đó là một cảm giác người bệnh nhận thấy được khi thức ăn hoặc nước uống dừng lại ở phía sau xương ức ngay sau khi có động tác nuốt. Người ta có lời khuyên rằng khi thấy biểu hiện nuốt nghẹn và khó thì cần cảnh giác cao với ung thư thực quản.

Nuốt đau cũng có thể có trong hội chứng TNDD-TQ và khi xuất hiện triệu chứng nuốt đau sau xương ức là có nguy cơ viêm thực quản nặng hoặc loét thực quản do hiện tượng trào ngược. Ngoài ra, có thể thấy đau ngực không do bệnh ở tim. Đau rát sau xương ức lan lên vai, lan ra sau lưng. Cơn đau ngực thường xảy ra bất thình lình, ngắt quãng và không liên quan đến ăn, uống, lao động nặng hoặc khi gắng sức. Và khi dùng thuốc làm giãn mạch vành thì không hết cơn đau (khi xuất hiện đau ngực thì phải hết sức thận trọng và cần kiểm tra kỹ về hệ thống tim mạch).Trong một số trường hợp, người bệnh mắc chứng TNDD-TQ nặng, trầm trọng thì có thể có khó thở về đêm do dạ dày tăng tiết dịch vị khi trào ngược đã làm cho chít hẹp phế quản do sự trào ngược dịch vị.

Ngoài ra, còn có thể thấy biểu hiện của hội chứng TNDD-TQ ở mũi, họng (do các lần bị trớ dịch vị không lên miệng mà lên mũi, họng) như dị cảm mũi hoặc rối loạn âm thanh (khàn giọng, ho). Một điều cần được lưu ý là diễn biến lâm sàng (triệu chứng của bệnh) không song hành với tổn thương thực thể. Có nghĩa là đau nhiều, ợ nhiều, trớ nhiều, nóng rát nhiều chưa chắc chắc đã tổn thương thực quản nặng, ngược lại khi viêm, loét thực quản nặng có biểu hiện rất âm thầm.

Biến chứng có thể xảy ra đối với TNDD-TQ là loét, hẹp, teo, chảy máu và nguy hiểm nhất là ung thư thực quản. Việc chẩn đoán TNDD-TQ, ngoài các triệu chứng lâm sàng thì cần được tiến hành với kỹ thuật nội soi thực quản (nội soi còn để sinh thiết xác định tế bào lạ), X-quang thực quản có thuốc cản quang và làm kỹ thuật đo pH. Để phân biệt đau ngực do TNDD-TQ và đau ngực do bệnh tim mạch thì ngoài các phương pháp xác định bệnh về tim mạch có thể tiến hành thêm kỹ thuật thử test bơm dung dịch axít của Berstien.

Chữa trị bệnh như thế nào?

Việc điều trị bệnh chủ yếu dựa vào cơ chế gây bệnh, vì vậy, nên tập trung giải quyết việc ức chế bài tiết axít của dạ dày, trung hòa dịch vị và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thông thường có khoảng 80% số bệnh nhân đáp ứng với các thuốc điều trị nội khoa và chủ yếu là những trường hợp chưa có biến chứng như: chít hẹp, ung thư. Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị nội khoa, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị (đơn thuốc và tư vấn), tuyệt đối không tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc để điều trị bất luận là thuốc tây y hay thuốc nam, đông y. Một điều cũng cần được lưu tâm là không nghe theo sự mách bảo của người không hiểu biết về chuyên môn hoặc không am hiểu về chuyên môn y mà dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không phải đơn thuốc của thầy thuốc.

Cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn nhiều các loại gia vị, hạn chế uống rượu, bia (tốt nhất là kiêng không uống rượu, bia). Hạn chế hoặc không nên ăn các chất có khả năng kích thích làm ảnh hưởng đến hoạt động cơ trơn như sôcôla, nước giải khát có gas…). Không nên ăn xong nằm ngay mà nên ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng. Hàng ngày nên vận động cơ thể bằng các động tác nhẹ nhàng, dễ thực hiện, tập các động tác xoa bụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị nội khoa, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị (đơn thuốc và tư vấn), tuyệt đối không tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc để điều trị bất luận là thuốc tây y hay thuốc nam, đông y.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

 


Ý kiến của bạn