1. Metformin hoạt động như thế nào
Metformin được bán dưới nhiều tên thương hiệu khác nhau, là một loại thuốc uống được sử dụng cùng với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và giảm cân để kiểm soát lượng đường trong máu.
Tác dụng của thuốc là ngăn gan giải phóng quá nhiều glucose vào máu. Thuốc cũng giúp tăng phản ứng của cơ thể với insulin (hormone do tuyến tụy tạo ra giúp cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng).
Metformin có thể dùng riêng hoặc kết hợp với các loại thuốc trị đái tháo đường khác, kể cả insulin, để giúp điều trị đái tháo đường type 2. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 bị kháng insulin cũng có thể sử dụng thuốc này.
Tính hiệu quả, khả năng dung nạp, độ an toàn và khả năng kết hợp của metformin với các loại thuốc trị đái tháo đường khác khiến nó trở thành loại thuốc được lựa chọn đầu tiên khi điều trị cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
2. Dấu hiệu cho thấy metformin không còn hiệu quả ở người bệnh đái tháo đường
Khi dùng theo chỉ định, metformin có hiệu quả cao trong việc kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, người bệnh có thể thỉnh thoảng bị tăng lượng đường trong máu do căng thẳng, một bữa ăn lớn và các yếu tố khác… Hầu hết thời gian, người bệnh không cần phải lo lắng về những sự gia tăng không thường xuyên này.
Tuy nhiên, khi thuốc không còn hiệu quả khiến lượng đường trong máu tăng cao và chỉ có thể nhận ra điều này khi làm xét nghiệm A1C (lượng đường trong máu trung bình trong ba tháng) tại cơ sở y tế hoặc thông qua máy đo đường huyết.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tăng đường huyết bao gồm:
Lượng đường trong máu tăng đột ngột, không rõ nguyên nhân và kéo dài trong vài ngày có thể là dấu hiệu cho thấy metformin không còn tác dụng. Hãy thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có sự điều chỉnh liều lượng thuốc (xem có cần tăng liều hay không), hoặc liệu có cần dùng thêm các loại thuốc trị đái tháo đường khác hay không.
3. Tại sao thất bại với metformin lại nguy hiểm
Metformin được kê đơn để kiểm soát đường máu ở người bệnh đái tháo đường type 2. Thuốc thường được kê đơn sau khi các can thiệp về lối sống (như ăn kiêng, tập thể dục và giảm cân) không kiểm soát được lượng đường trong máu.
Nếu metformin không thể kiểm soát lượng đường trong máu, sự tích tụ quá nhiều glucose trong máu có thể gây tổn thương dần dần các mạch máu, dây thần kinh và các cơ quan.
Các biến chứng có thể xảy ra khi bệnh đái tháo đường không được kiểm soát là:
- Tăng huyết áp (huyết áp cao)
- Bệnh động mạch vành (thu hẹp các động mạch của tim)
- Bệnh động mạch ngoại biên (hẹp các động mạch bên ngoài tim hoặc não)
- Đột quỵ (tổn thương não do giảm lưu lượng máu)
- Bệnh thận mãn tính (suy giảm dần chức năng thận)
- Bệnh võng mạc đái tháo đường (tổn thương mắt liên quan đến bệnh đái tháo đường)
- Bệnh thần kinh đái tháo đường (đau dây thần kinh liên quan đến bệnh đái tháo đường)
- Bệnh tăng nhãn áp (vấn đề về mắt do tổn thương thần kinh thị giác)
- Đục thủy tinh thể…
4. Cách ứng phó khi thuốc metformin không còn tác dụng
Nếu metformin không hoạt động như bình thường, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để có sự ứng phó thích hợp.
- Trường hợp mới bắt đầu dùng metformin và không thấy lượng đường trong máu cải thiện sau vài tuần, hãy liên hệ với bác sĩ. Điều này có thể do không dùng thuốc đúng cách hoặc liều lượng chưa phù hợp (liều quá thấp).
- Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu không dùng metformin theo quy định do các tác dụng phụ của thuốc, không thể chịu đựng được như buồn nôn và nôn. Bác sĩ có thể chuyển đổi sang dạng metformin giải phóng kéo dài, để làm giảm tác dụng phụ này.
- Trường hợp người bệnh đã dùng metformin trong vài năm và nhận thấy rằng lượng đường trong máu đột nhiên bắt đầu tăng lên, bác sĩ có thể sẽ phải kê thêm một loại thuốc khác vào kế hoạch điều trị cho người bệnh.
- Nếu metformin không còn tác dụng, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân và trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch bổ sung kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này có thể giúp người bệnh tránh các biến chứng của bệnh như bệnh tim, tổn thương thần kinh hoặc tổn thương mắt…
Metformin là một loại thuốc trị đái tháo đường uống, có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Mặc dù đây là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị đầu tay cho tình trạng này, nhưng nó không có tác dụng giống nhau đối với tất cả mọi người và có thể bắt đầu mất tác dụng theo thời gian.
Lượng đường trong máu tăng không giải thích được có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy metformin đã không còn tác dụng. Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng tăng đường huyết như khát hoặc đói quá mức, mệt mỏi và mờ mắt...
Bất kể nguyên nhân thất bại điều trị là gì, người bệnh cần phải liên lạc chặt hẽ với bác sĩ để có các biện pháp phù hợp giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Điều này có thể liên quan đến việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, điều chỉnh các sai sót về liều lượng, tăng liều metformin hoặc thêm một loại thuốc trị đái tháo đường khác vào kế hoạch điều trị.
Cho dù bệnh đái tháo đường ở giai đoạn sớm hay tiến triển như thế nào, thì vẫn cần có những lựa chọn lối sống tốt để đảm bảo sức khỏe lâu dài, bao gồm: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, uống thuốc theo quy định và giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì...
Mời độc giả xem thêm video:
Tập luyện và ăn uống với bệnh đái tháo đường