Dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS và cách khắc phục

SKĐS - Nhận biết sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng giúp người nhiễm HIV/AIDS kịp thời khắc phục và bổ sung dinh dưỡng nâng cao thể trạng.

HIV là một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Nếu không được điều trị, HIV có thể gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải AIDS.

Một chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp người nhiễm HIV/AIDS tăng cường khả năng miễn dịch, tăng chất lượng cuộc sống và tăng thời gian sống chung với HIV.

1. Vì sao người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ suy dinh dưỡng?

Việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, trong đó có tăng cường dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với người nhiễm HIV/AIDS. 

Một chế độ ăn hợp lý với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng giúp người nhiễm HIV/AIDS nâng cao thể trạng, duy trì khối cơ, duy trì hoạt động sống của cơ thể và bảo vệ hệ miễn dịch.

Khi chế độ ăn nghèo nàn dinh dưỡng khiến người nhiễm HIV/AIDS tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, mắc một số bệnh chuyển hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, viêm màng não, lao, nhiễm nấm Candida...

Dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS và cách khắc phục - Ảnh 2.

Kê đơn thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Khi nhiễm HIV/AIDS, người bệnh tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và thay đổi chuyển hóa của cơ thể. Nhu cầu năng lượng ở người nhiễm HIV/AIDS tăng từ 10% đến 30% so với người lao động bình thường, tương đương với nhu cầu năng lượng ở người lao động nặng.

Người nhiễm HIV/AIDS thường giảm lượng khẩu phần ăn vào do các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng đến quá trình ăn uống như mệt mỏi, nôn, buồn nôn, khó nhai vì đau miệng, khó nuốt vì đau họng…

Các tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị cũng là nguyên nhân khiến người bệnh có cảm giác chán ăn, thay đổi vị giác. Mặt khác, người nhiễm HIV/AIDS chưa có nhiều kiến thức về dinh dưỡng và có thể thiếu thực phẩm do điều kiện về kinh tế.

2. Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS

Nhận biết sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng có thể giúp người nhiễm HIV/AIDS có cách bổ sung khẩu phần ăn giúp nâng cao thể trạng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS:

- Giảm khẩu phần ăn: Giảm lượng thực phẩm ăn vào, thay đổi độ đặc lỏng của chế độ ăn như từ cơm/xôi/phở chuyển thành cháo/súp/sữa... là dấu hiệu đầu tiên giúp người nhiễm HIV/AIDS nhận biết mình có nguy cơ suy dinh dưỡng.

- Giảm cân không chủ đích: Người nhiễm HIV/AIDS cần chú ý theo dõi cân nặng định kỳ và thường xuyên, giảm cân không mong muốn tác động xấu đến tình trạng sức khỏe.

- Teo cơ bắp, mất lớp mỡ dưới da.

- Các triệu chứng liên quan đến tình trạng ăn uống: Chán ăn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, thay đổi vị giác...

- Thay đổi màu tóc, rụng tóc.

Thiếu các vi chất dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hơn.

Dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS và cách khắc phục - Ảnh 3.

Rụng tóc - một dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người HIV/AIDS.

3. Cách bổ sung dinh dưỡng đối với người nhiễm HIV/AIDS

Để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu năng lượng tăng từ 10-30%, người nhiễm HIV/AIDS cần chú ý:

- Ăn đa dạng các loại thực phẩm: Đảm bảo cân đối các nhóm thực phẩm trong một bữa ăn.

- Không bỏ bữa, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, ăn bổ sung 2 – 3 bữa phụ/ngày. Có thể lựa chọn bữa phụ là các thực phẩm như bánh quy, sữa công thức, thực phẩm giàu năng lượng sẵn có, súp, các loại chè, ngũ cốc, sữa chua…

- Lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, có đậm độ năng lượng cao, đạm chất lượng cao như thịt lợn, thịt bò, cá, trứng...

- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch như các loại rau xanh, củ, quả: Cam, bưởi, ổi, súp lơ, cà rốt, bí ngô...

- Không kiêng khem các loại thực phẩm trừ khi có tình trạng dị ứng thực phẩm.

Dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV/AIDS và cách khắc phục - Ảnh 4.

Chế độ ăn đa dạng thực phẩm, giàu dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS.

- Bổ sung đa vi chất theo khuyến cáo của bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng.

- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

- Đảm bảo các nguyên tắc an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến: Rửa tay sạch trước và trong quá trình chế biến, ăn chín - uống sôi, tách riêng thực phẩm sống – chín, bảo quản thực phẩm đúng cách...

- Cần đến các cơ sở y tế và gặp chuyên gia dinh dưỡng để có giải pháp chăm sóc dinh dưỡng phù hợp nhất.

Người nhiễm HIV/AIDS cần chủ động và nhận biết sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng, đảm bảo nhu cầu năng lượng của cơ thể và tăng cường bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn. Tình trạng dinh dưỡng tốt có thể giúp người nhiễm HIV/AIDS nâng cao thể trạng và bảo vệ hệ miễn dịch.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đừng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS


Cử nhân dinh dưỡng Phạm Thị Mai Ngọc
Ý kiến của bạn