Ung thư (UT) dạ dày cho đến nay vẫn là một UT phổ biến trên thế giới. Mỗi năm theo công bố của Tổ chức Ghi nhận UT toàn cầu (IARC) có khoảng 870.000 người mới mắc, 650.000 người chết do căn bệnh này. Tuy nhiên, tỷ lệ này có xu hướng giảm nhanh trong một vài thập kỷ vừa qua do những hiểu biết về cơ chế sinh bệnh có liên quan đến H.pylori, chế độ ăn và một số yếu tố môi trường... Ở Việt Nam, theo số liệu ghi nhận ung thư dạ dày ở nam giới đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi, ở nữ đứng hàng thứ 5.
Các yếu tố nguy cơ cao
Viêm dạ dày mạn tính kéo dài sẽ dẫn đến viêm teo mạn tính niêm mạc dạ dày, tiếp theo là các biến đổi dị sản của tế bào, tiếp đến là các biến đổi loạn sản tế bào qua từng mức nhẹ, vừa đến nặng và biến đổi cuối cùng là UT.
Chế độ ăn uống liên quan đến nguyên nhân gây UT dạ dày. Nhiều nghiên cứu chỉ ra khi ăn các loại thức ăn có chứa nitrat và nitrit như thịt hun khói, thịt cá ướp muối, cũng như rau, dưa muối... Trái lại khi ăn nhiều rau hoa quả tươi giàu vitamin A, C tỷ lệ UT dạ dày thấp hơn. Hút thuốc lá làm tăng đáng kể.
Nhiễm virut và vi khuẩn: Người ta ước tính có khoảng 5-10% UT dạ dày có liên quan đến virut Epstein-Barr trên toàn thế giới. H.pylori gây viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, nhất là viêm mạn teo đét, được coi là thay đổi tiền UT.
Ngoài ra, nhóm máu A, tuổi cao trên 50 tuổi, béo phì, gene di truyền cũng là yếu tố nguy cơ.
Nội soi giúp phát hiện chính xác ung thư dạ dày. Ảnh: TM
Đặc điểm lâm sàng UT dạ dày
UT dạ dày có thể khó phát hiện được sớm. Thường thì không có triệu chứng gì ở các giai đoạn sớm và trong nhiều trường hợp, UT đã lan tỏa trước khi nó được phát hiện. Khi các triệu chứng xuất hiện chúng thường quá mơ hồ dễ bỏ qua. Tuy nhiên, UT dạ dày có thể gây ra một số triệu chứng tại chỗ và toàn thân:
Sút cân và đau bụng dai dẳng là những triệu chứng phổ biến thường gặp khi bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán, sút cân có thể do ăn uống kém, tăng dị hóa, do đau, buồn nôn, nuốt nghẹn...
Đau bụng vùng thượng vị có thể do đau thần kinh phế vị, đau nhẹ nếu bệnh ở giai đoạn sớm, đau nhiều khi ở giai đoạn muộn hơn.
Nuốt nghẹn thường xuất hiện khi khối u phát triển gần tâm vị, hoặc đoạn nối với thực quản.
Buồn nôn, đầy hơi gặp ở một số bệnh nhân u lan rộng, hoặc khối u ở vùng môn vị gây cản trở lưu thông thức ăn.
Chảy máu dạ dày - ruột kín đáo có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt, hiếm khi chảy máu nặng.
Khối u thành bụng khi thăm khám xảy ra khi khối u ở thân vị, thường là giai đoạn muộn.
Những dấu hiệu khối u lan rộng: Khi khối u thâm nhiễm qua thành dạ dày gây dò dạ dày - đại tràng, gây tắc ruột do thâm nhiễm vào đại tràng, đây là những trường hợp hiếm. Khi tế bào UT lan rộng qua hệ thống hạch lymphô, chúng ta có thể khám thấy hạch thượng đòn trái, hạch nách trái, hạch quanh rốn. Có khi tế bào UT lan tràn qua đường ổ phúc mạc, di căn buồng trứng, di căn gan đa ổ, có thể gây vàng da, gây tràn dịch ổ bụng...
Cận lâm sàng: Nội soi dạ dày - tá tràng ống mềm. Đây là một biện pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán UT dạ dày. Nhờ nội soi dạ dày, bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào bên trong dạ dày. Nếu có một vùng bất thường được phát hiện, bác sĩ có thể lấy một ít mô qua ống nội soi để làm giải phẫu bệnh xác định tế bào ung thư.
Điều trị ung thư dạ dày
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, sức khỏe bệnh nhân nói chung và các bệnh kèm theo, khả năng của thầy thuốc cũng như trang thiết bị của bệnh viện. Trước hết phải nói phẫu thuật là phương pháp chủ yếu và quan trọng trong điều trị UT dạ dày. Vai trò của hóa trị và xạ trị điều trị được cân nhắc phối hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị triệt căn: Phẫu thuật cắt niêm mạc qua nội soi: Việc cắt bỏ tổn thương UT qua nội soi chỉ được thực hiện khi UT còn đang giới hạn ở lớp niêm mạc.
Phẫu thuật điều trị triệu chứng: Phẫu thuật điều trị triệu chứng là một biện pháp hữu hiệu để điều trị chống đau và chăm sóc triệu chứng cho bệnh nhân UT dạ dày. Gần đây có nhiều trung tâm còn khuyên nên cắt dạ dày (nếu toàn trạng cho phép) để điều trị UT dạ dày khi không còn chỉ định điều trị triệt căn, thậm chí cả cắt toàn bộ dạ dày điều trị triệu chứng. Phẫu thuật điều trị tái phát.
Trong một số trường hợp khối di căn gan đơn độc, ở vị trí có thể phẫu thuật được, có thể phẫu thuật cắt bỏ khối di căn có thể nâng cao chất lượng sống cũng như thời gian sống cho bệnh nhân.
Hóa trị điều trị UT dạ dày
Hóa trị điều trị UT dạ dày có thể được áp dụng như là biện pháp chính khi UT đã có di căn xa, hoặc cũng có thể dùng như biện pháp điều trị hỗ trợ trước phẫu thuật và điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật, ngoài ra hóa chất có thể phối hợp với xạ trị để nâng cao kết quả của điều trị.
UT dạ dày có thể gây ra một số triệu chứng tại chỗ như: đau bụng vùng thượng vị; khó tiêu hoặc ợ chua; khó chịu hoặc đau ở bụng; buồn nôn; sờ thấy u ở vùng thượng vị. Triệu chứng toàn thân: tiêu chảy hoặc táo bón; mất cảm giác ngon miệng; yếu và mệt; gầy sút nhanh; chảy máu (nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu). Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện K, tất cả những người từ 45 tuổi trở lên, nếu có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nên đi khám và soi dạ dày. Chỉ có nội soi, sinh thiết mới có hy vọng chẩn đoán sớm, chẩn đoán chính xác UT dạ dày .