Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim rất thường gặp. Đây là một hình thái rối loạn nhịp tim nhanh. Bệnh có thể là nguyên nhân khoảng 5% các trường hợp đột quỵ, gây ra những biến chứng nặng nề, có thể tử vong hoặc tàn phế suốt đời.
Thế nào là rung nhĩ?
Ở người bình thường, nhịp tim từ 60 - 80 lần trong một phút khi cơ thể nghỉ ngơi. Khi rung nhĩ, các tâm nhĩ đập rất nhanh và không đều với tần số > 300/phút. Rung nhĩ ban đầu có thể chỉ thoáng qua trong thời gian vài phút, vài giờ, đôi khi vài ngày xen kẽ với những giai đoạn nhịp tim bình thường. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thích hợp, rung nhĩ trở thành mạn tính. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị rung nhĩ sớm rất quan trọng để giảm thiểu tối đa biến chứng của rung nhĩ, đem lại cuộc sống với chất lượng tốt hơn cho bệnh nhân.
Bệnh lý mạch vành - một trong những nguyên nhân gây rung nhĩ.
Rung nhĩ có thể xuất hiện mà không do bất kỳ một bệnh lý tim mạch thực tổn nào. Tuy nhiên, thường gặp hơn ở bệnh nhân mắc một bệnh lý tim mạch nào đó như bệnh van tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim... Đôi khi có thể gặp ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cường giáp hoặc bệnh tim bẩm sinh.
Dấu hiệu cảnh báo không rõ ràng
Ở nhiều người, rung nhĩ không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Triệu chứng thường gặp nhất là biểu hiện đánh trống ngực do tim đập nhanh và không đều. Bệnh nhân có cảm giác đau ngực và cảm giác ngộp thở. Trong một số trường hợp nếu nhịp tim quá nhanh sẽ gây triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, thậm chí ngất xỉu.
Hẹp van hai lá - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rung nhĩ.
Khi có yếu tố nghi ngờ hoặc có những biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, chóng mặt, vã mồ hôi, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân được làm điện tâm đồ.
Dựa vào lâm sàng tiến triển của rung nhĩ, chia làm các thể lâm sàng: Cơn rung nhĩ kịch phát: rung nhĩ kéo dài ≤ 7 ngày, cơn tự chuyển về nhịp xoang (nhịp của người bình thường); Rung nhĩ bền bỉ: rung nhĩ kéo dài > 7 ngày, phải dùng các biện pháp chuyển nhịp can thiệp mới có thể cắt được rung nhĩ; Rung nhĩ mạn tính: kéo dài hơn 1 năm và không thể cố gắng chuyển nhịp được bằng các biện pháp can thiệp.
Điều trị rung nhĩ thế nào?
Kiểm soát tần số thất và chuyển rung nhĩ về nhịp xoang: Trong phần lớn các trường hợp rung nhĩ, digitalis và/ hoặc thuốc chẹn thụ thể bêta giao cảm giúp làm tăng hiệu quả co bóp của tâm thất do làm chậm nhịp tim và có thể phục hồi được nhịp tim bình thường. Các thuốc khác như quinidin sulfat hoặc procainamid có thể được sử dụng thay thế nếu hai thuốc trên không hiệu quả. Bệnh nhân rung nhĩ không dung nạp khi đã điều trị tối ưu cần được tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia về điện sinh lý học tim để có biện pháp can thiệp tích cực hơn.
Một vài trường hợp rung nhĩ dai dẳng được điều trị bằng sốc điện - người ta dùng một dòng điện phóng vào tim khi người bệnh được giảm đau hoặc gây mê để chuyển nhịp. Khi nhịp tim đã trở về bình thường, cần tiếp tục dùng thuốc duy trì để phòng ngừa rung nhĩ tái phát, nhất là khi bệnh nền là một bệnh mạn tính không thể điều trị triệt để được.
Đối với bệnh nhân rung nhĩ mạn tính, có thể điều trị rung nhĩ qua đường ống thông (catheter ablation). Triệt đốt bằng catheter là phương pháp có hiệu quả và là lựa chọn cho bệnh nhân rung nhĩ có triệu chứng điều trị nội khoa thất bại. Đặc biệt ở bệnh nhân trẻ tuổi triệt đốt bằng catheter có lợi ích hơn là điều trị bằng thuốc kéo dài nhiều năm. Tỷ lệ thành công từ 40 - 90% với chỉ một lần triệt đốt, nếu bệnh nhân tái phát rung nhĩ có thể tiếp tục tiến hành triệt đốt nhiều lần tiếp theo.
Phẫu thuật điều trị rung nhĩ: Phẫu thuật cô lập nhĩ trái (Maze) thường được chỉ định kết hợp với các phẫu thuật tim khác như mổ bắc cầu chủ vành, thay van tim, mổ sửa chữa trong bệnh tim bẩm sinh,... Phẫu thuật sẽ tạo các đường cắt cô lập từng vùng cơ nhĩ, tiểu nhĩ và các tĩnh mạch phổi nhưng vẫn bảo tồn được chức năng dẫn truyền trong nhĩ, nhờ vậy ngăn chặn được sự hình thành các vòng vào lại gây rung nhĩ.
Dự phòng huyết khối phòng chống đột quỵ: Thuốc chống đông dự phòng huyết khối được chỉ định dùng cho tất cả bệnh nhân rung nhĩ trừ duy nhất trường hợp rung nhĩ đơn độc ở bệnh nhân dưới 60 tuổi (không có bệnh lý tim mạch thực thể kèm theo) hoặc có chống chỉ định dùng thuốc chống đông máu.
Bệnh nhân rung nhĩ có bệnh cơ tim phì đại, hẹp van hai lá hoặc van cơ học phải được điều trị bằng thuốc kháng vitamin K như: wafarin hoặc sintrom.
Các phương pháp dự phòng bệnh van tim và bệnh mạch vành đều giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện rung nhĩ. Bệnh nhân rung nhĩ có thể không có triệu chứng gì. Đa số thấy hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, chóng mặt, vã mồ hôi. Một số bệnh nhân vào viện vì các biến chứng của bệnh như đột quỵ do tắc mạch não hay các biểu hiện của tắc mạch chi. Vì vậy, đối với người cao tuổi, người nằm trong nhóm nguy cơ cao cần hạn chế thuốc lá, rượu, bia. Đây là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn.