Cảnh giác cao độ với nguy cơ sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 17/7 đến ngày 20/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm, cục bộ có nơi trên 500mm; khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa dông và nắng nóng liên tiếp vừa qua kết hợp mưa trong những ngày tới khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao từ ngày 18/7 ở khu vực Bắc Bộ, trong đó nguy cơ cao tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiên tai trượt lở là sự dịch chuyển của những vật liệu đất, đá, mảnh vụn trên sườn dốc xuống phía dưới và ra phía ngoài dưới tác động của trọng lực.
Nguyên nhân trượt lở được kích hoạt do nhiều yếu tố ngoại sinh (như mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá,.... Yếu tố nội sinh (như động đất) hoạt động của con người (phá rừng, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và công trình khác). Những sự cố trượt lở trong quá khứ cũng tiềm ẩn nguy cơ trượt tiếp trong tương lai. Hoặc do các yếu tố ngoại sinh (mưa, bão, phong hóa,…). Đáng lưu ý, thời gian xảy ra trượt lở thường rất nhanh, có thể từ vài giây đến vài giờ.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối miền núi, nơi có độ dốc lớn, dòng chảy xiết, thường kèm theo đất đá, cây cối. Lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn. Khi xảy ra lũ quét thường kèm theo sạt lở đất, đá.
Dấu hiệu xảy ra lũ quét là mưa lớn nhiều ngày, đặc biệt ở thượng lưu. Nước sông suối chuyển màu đục. Có tiếng động bất thường của đất đá, cây cối. Xuất hiện âm thanh lạ trong lòng đất.
Khi có các dấu hiệu này, người dân luôn cảnh giác đề phòng, nhất là khi có mưa lớn kéo dài. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ quét, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu lũ quét. Cần tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét, không được lội qua sông, suối, ngầm, tràn, đường bị ngập. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực, vị trí cao hơn.
Tuyệt đối hạn chế đi lại qua sông, suối, không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh. Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc thấy có dấu hiệu bất thường như nước từ trong chuyển sang đục hẳn. Không lội xuống nước nếu nhìn thấy dây điện hoặc cột điện đổ xuống nước.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt trượt do tác động của mưa lũ hoặc dòng chảy. Dấu hiệu của sạt lở đất là mưa nhiều ngày/mưa lớn; Vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, nước sông suối từ trong chuyển thành màu nước đục; Mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất.
Người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt ở đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, cần bảo vệ tính mạng trước tiên. Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.
Các biện pháp phòng tránh lũ quét
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đưa ra một số biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do trượt lở đất ở các vùng miền núi Việt Nam. Ở Việt Nam, trượt lở đất đá thường xảy ra cùng với lũ quét, lũ bùn đá: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái,… Điều tra, thống kê các điểm sạt lở đất trong 3 năm (2008‐2011) tại 4 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang. Có 1083 điểm sạt lở được thống kê, đưa lên bản đồ. Trong đó có 41.9% sạt lở quy mô nhỏ, 28.7% quy mô trung bình, 30.3% quy mô lớn.
Biện pháp công trình gồm tiêu thoát nước, điều chỉnh, cải tạo một lòng dẫn ổn định. Bạt thoải mái dốc địa hình, hạ thấp độ cao mái dốc để giảm nhẹ tốc độ dòng chảy. Bảo vệ bề mặt mái dốc bằng cách trồng cỏ vetiver, sử dụng vật liệu địa kỹ thuật. Tăng cường bảo vệ - bảo dưỡng các taluy sườn dốc hệ thống đường giao thông; Tiêu thoát nước mặt và nước ngầm có trong thành phần mái dốc, nhằm làm giảm ứng suất cắt và tăng sức chống cắt của đất trong vỏ phong hóa;Tăng cường sức chống trượt bằng các giải pháp gia cường.
Áp dụng công nghệ xây dựng đường giao thông hợp lý. Giảm độ dài xây dựng, độ dốc và độ uốn khúc. Giảm thiểu mức độ tác động tiêu cực tới độ cân bằng trọng lực tự nhiên, cũng như mức độ biến dạng địa hình và thảm thực vật; Giảm thiểu mức độ đầu tư cho công tác phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả tác động tai biến trượt lở đất đá, lũ quét tới hệ thống đường giao thông đã được xây dựng và đưa vào khai thác...
Làm giảm lưu lượng và cản trở sự truyền lũ bằng cách xây dựng các hồ chứa nước trên lưu vực, nhằm mục tiêu điều tiết nước, hạn chế tập trung nước gây lũ quét, giữ lại một phần dòng chảy bùn rác, cắt đỉnh lũ cho hạ lưu trên lưu vực vào mùa mưa.
Lập bản đồ hiện trạng thiên tai. Bản đồ hiện trạng những nơi có trượt lở, lũ quét và những nơi nguy hiểm, làm cơ sở cho việc thành lập bản đồ khoanh vùng dự báo nguy cơ tiềm ẩn tai biến theo các cấp độ khác nhau trên một vùng lãnh thổ nhất định. Tìm kiếm và phát hiện những vùng có nguy cơ về trượt lở, lũ quét, lập bản đồ có nguy cơ xảy ra trượt lở,lũ quét.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Các Dấu Hiệu Phân Biệt Sốt Xuất Huyết Và Tay Chân Miệng | SKĐS