Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 90%). Bệnh rất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, chúng ta cần phải phát hiện sớm để được điều trị kịp thời, thích hợp.
Dấu hiệu nhận biết sớm
Mặc dù khoa học đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán, xử trí và phòng các bệnh nhiễm trùng nhưng hiện nay, SXHD vẫn còn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Sự di dân kết hợp với tốc độ đô thị hóa quá nhanh cùng với sự thay đổi lối sống làm gia tăng nơi sinh sản, phát triển của muỗi truyền bệnh khiến tình hình dịch bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng. SXHD có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương từ lòng mạch ra khoảng gian bào dẫn đến sốc do giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài. Do vậy, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Những đám xuất huyết dưới da.
Khi dịch SXHD xảy ra tại địa phương, số người mắc bệnh thường rất lớn. Mặt khác, một người có thể bị mắc nhiều lần trong đời và những lần nhiễm sau nguy hiểm hơn những lần nhiễm trước. Do vậy, chúng ta cần phải phát hiện sớm để được điều trị kịp thời, thích hợp cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm bảo vệ con em và gia đình chúng ta cũng như cộng đồng nơi chúng ta đang sinh sống.
Thông thường, bệnh SXHD có quá trình diễn biến trong 7 ngày với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, đau nhức hốc mắt, mệt mỏi, phát ban và có xuất huyết trên da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Triệu chứng cần chú ý và nó làm cho nhiều người bệnh chủ quan đó là khi người bệnh hết sốt, đây là thời kỳ rất nguy hiểm nếu chúng ta không phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nặng.
Những dấu hiệu cảnh báo nặng
Người bệnh vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Xét nghiệm máu: Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng. Khi người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên, phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời. Nếu các thầy thuốc không phát hiện và xử trí đúng, bệnh nhân sẽ diễn biến nặng với bệnh cảnh của SXHD nặng như sốc, xuất huyết nặng và suy đa tạng.
Sốc SXHD với biểu hiện của suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít. Sốc SXHD được chia ra 2 mức độ để điều trị bù dịch:
Sốc SXHD: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì.
Sốc SXHD: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.
Những biểu hiện xuất huyết nặng: Chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể có suy tạng nặng như suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn tri giác, viêm cơ tim, suy tim hoặc suy chức năng các cơ quan khác. Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy, khi thăm khám, cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ SXH trên, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không kiêng ăn và nhịn uống.