Nguyên nhân
Bình thường trong miệng cũng như một số nơi khác trong cơ thể chúng ta có rất nhiều vi khuẩn thường trú. Nhưng nếu vì nguyên cớ nào đó thế cân bằng bị phá vỡ, các vi nấm sẽ phát triển lấn lướt, nhanh chóng gia tăng số lượng, cũng như môi trường dinh dưỡng, gây loạn dưỡng và biến đổi cấu trúc niêm mạc họng - miệng, nơi chúng xâm chiếm, và các triệu chứng bệnh lý xuất hiện.
Chính vì vậy, nấm họng là một bệnh cơ hội thường gặp ở những người suy giảm sức đề kháng (người nhiễm HIV/AIDS), người bị bệnh đái tháo đường, thiếu máu mạn tính, bệnh nhân gầy yếu, suy kiệt sức khỏe và những người phải điều trị với corticoid kéo dài hoặc sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện không theo chỉ dẫn của thầy thuốc, những người phải điều trị tia xạ ở vùng họng miệng... và hay gặp ở những người dân sống ở các nước nhiệt đới ẩm.
Bệnh nấm họng có thể xuất hiện ở những người phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, hít phải các bào tử nấm trong không khí hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm nấm. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Candida là thủ phạm gây nên nấm họng, miệng. Loại nấm này thường ký sinh ở miệng, họng, đường tiêu hóa và thường không phát triển thành bệnh. Nhưng nếu gặp các yếu tố thuận lợi, nhất là khi sức đề kháng của niêm mạc họng suy giảm, hiện tượng trào ngược của dịch dạ dày lên họng làm chuyển pH họng từ môi trường kiềm sang môi trường acid thì nấm Candida sẽ gây bệnh và xuất hiện triệu chứng bệnh nấm họng.
Hình ảnh tổn thương do nấm.
Cách phát hiện
Giai đoạn đầu của bệnh nấm họng - miệng có thể kéo dài một thời gian mà người bệnh không nhận biết vì không có triệu chứng gì đặc biệt.
Dấu hiệu sớm người bệnh nhận thấy là đau nhói trong họng - miệng tại vị trí nhiễm nấm. Đau không nhiều lắm nhưng gây khó chịu và có thể làm giảm vị giác. Ngoài ra họ cũng có thể bị ho.
Bệnh nhân thường đến khám vì ho kéo dài dù đã điều trị các nhóm kháng sinh, giảm ho, chống viêm liên tục. Lúc đầu ho do phản ứng dị ứng của cơ thể với bào tử nấm xâm nhập, sau đó là ho do viêm nhiễm. Ho khan từng cơn rồi chuyển sang có đờm trắng đục, vàng xanh. Ho do nấm cũng rất ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân nên nhiều người đã đi khám liên tục chỉ mong được chữa hết cơn ho ngay lập tức. Người bệnh ngứa họng, đau rát họng đôi khi kèm biểu hiện khó nuốt giống như loạn cảm họng vì tìm không thấy nguyên nhân nếu không nghĩ đến nấm. Triệu chứng này có thể xuất hiện sau đợt cảm cúm có sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi và thường không thuyên giảm khi sử dụng kháng sinh.
Một số trường hợp bệnh nhân cảm thấy hơi thở, nước bọt có mùi hôi, chua. Bác sĩ khám thấy niêm mạc họng hơi đỏ. Lưỡi người bệnh rất dày, bẩn, trắng và hôi. Thành sau họng nhiều tổ chức lympho nhỏ, rất nhiều chất nhầy phủ khắp họng, đôi khi có giả mạc, khi bóc tách dễ gây chảy máu hoặc giả mạc xám mủn giống như tổ chức hoại tử nhưng trong nhiều trường hợp chỉ nhìn thấy niêm mạc họng đỏ, teo, nhiều dải xơ dọc theo thành sau họng, nước bọt tăng tiết ở hạ họng nhưng cảm giác ngứa của bệnh nhân lại nặng nề, nhiều người phàn nàn là chỉ muốn thò ngón tay vào họng gãi cho đỡ ngứa.
Có thể chẩn đoán bệnh bằng cách quệt lấy dịch ở vùng soi tươi tìm bào tử nấm hoặc nuôi cấy định dạng nấm gây bệnh. Trong một số trường hợp, cần sinh thiết để tìm tổn thương mô bệnh học của nấm tại họng. Đây mới là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nấm, tuy nhiên khó thực hiện.
Điều trị thế nào?
Tùy mức độ bệnh, sức đề kháng của người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp và các thuốc điều trị khác nhau. Nhưng nhìn chung nấm họng cũng như các bệnh nấm nói chung là khó chữa do nấm có một lớp vỏ đặc biệt khó ngấm thuốc. Vì vậy, khi đã điều trị, cần trao đổi cụ thể với bệnh nhân để họ có thể phối hợp điều trị dài ngày, kết hợp dùng thuốc với việc loại bỏ các yếu tố thuận lợi để bệnh nấm phát sinh.
Người bệnh phải tuân thủ theo đúng lịch điều trị bởi nấm Candida thường rất dễ tái phát, do vậy, luôn phải điều trị triệt để, đủ liều, đủ thời gian. Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm Candida, cần phải kết hợp chế độ ăn uống và thể dục thể thao để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cho cơ thể, loại bỏ các yếu tố thuận lợi và vệ sinh miệng, họng thường xuyên.
Không hút thuốc lá, hạn chế ăn cay và vệ sinh răng miệng tốt cũng là những yếu tố có thể phòng được nấm Candida.