Phân loại lác mắt theo hướng nhìn
Theo các chuyên gia bệnh viện Mắt Hà Nội 2, ở mắt bình thường, cả hai mắt cùng nhìn vào cùng một điểm. Sau đó, não sẽ tổng hợp hình ảnh thu được ở hai mắt thành một ảnh duy nhất là ảnh ba chiều. Hình ảnh này sẽ cho ta thị giác tinh tế.
Nhưng ở người bị lác, hai mắt không nhìn thẳng và cùng một điểm được, thay vào đó nhìn theo các hướng khác nhau. Có thể gặp tình trạng một mắt nhìn thẳng về phía trước, trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Và khi một mắt bị nhìn lệch, hai hình ảnh khác nhau ở hai mắt được chuyển đến não bộ. Ở trẻ nhỏ, não bộ học cách loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch và chỉ thấy hình ảnh ở mắt nhìn thẳng hoặc mắt nhìn rõ hơn, chính điều này sẽ khiến trẻ mất đi thị giác tinh tế, hoặc nhìn nhận sự vật không chính xác.
Hiện y học phân ra 4 loại lác, dựa vào hướng mắt. Đó là bệnh lác mắt trong: mắt nhìn vào trong, Bệnh lác mắt ngoài: mắt nhìn ra ngoài, Bệnh lác mắt dọc: mắt nhìn lên trên hoặc xuống dưới, và bệnh lác mắt luân phiên: lúc mắt này lác, lúc mắt kia lác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lác mắt ở trẻ nhỏ, trong đó có những trẻ do di truyền trong gia đình, trẻ bị chấn thương mắt hoặc thủy tinh thể làm ảnh hưởng đến quá trình nhìn cũng có thể gây lác mắt. Như chấn thương ảnh hưởng dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác hoặc tổn thương tại cơ vận nhãn như nhược thị thực thể (đục thủy tinh thể); Tật khúc xạ (cận thị nặng, viễn thị không được điều trị); Liệt cơ vận nhãn…
Ngoài ra, trẻ bị lác cũng có thể do các bệnh ảnh hưởng đến não bộ như bại não, hội chứng Down, não úng thủy, u não; trẻ đẻ non.
Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bị lác mắt
Theo các chuyên gia, việc phát hiện sớm trẻ bị lác mắt, thậm chí ngay cả khi sơ sinh và đưa đi khám, điều trị sớm thì cơ hội khỏi bệnh sẽ càng cao. Qua thực tế thăm khám, các bác sĩ nhận thấy, chữa lác trước 3 tuổi, tỉ lệ thành công lên tới 92%, 6-8 tuổi là 62%. Nếu để lâu, mắt bé sẽ thành tật nên khả năng phục hồi kém. Vì thế, việc quan sát trẻ để phát hiện dấu hiệu lác mắt từ người thân gia đình rất quan trọng. Sau đây là một số dấu hiếu bố mẹ có thể lưu ý:
- Bé hay nheo mắt khi nhìn hoặc phải liếc mắt nhìn những vật thể đặt ngay phía trước;
- Khi đứng đối diện và mắt nhìn vào bé, nếu thấy hai mắt bé có biểu hiện nhìn bạn không đối xứng thì rất có thể bé đã bị lác;
- Đưa cho bé một món đồ chơi bất kỳ mà bé thích, quan sát kỹ xem khi bé chăm chú nhìn món đồ chơi đó, mắt bé có bị lệch sang một bên hay không;
- Dùng tay che một bên mắt của bé lại rồi làm tương tự với bên còn lại, hãy quan sát xem khi bạn bỏ tay ra con ngươi của bé có di chuyển bình thường hay không;
- Đặt một vật cách bé khoảng 8m rồi hỏi xem bé có nhìn thấy hay không, nếu câu trả lời là không, bạn nên đưa con mình đến bệnh viện mắt để khám;
- Hướng dẫn và cho bé xếp thẳng hàng dọc hai chiếc bút chì, nếu việc này gây ra khó khăn cho bé thì mắt bé đang có vấn đề.
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, lác mắt hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, mức độ phục hồi và mục tiêu điều trị đối với mỗi bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi, thời gian mắt lác bao lâu. Tùy theo từng trường hợp lác, sẽ áp dụng một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
+ Tập qui tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều lác.
+ Đeo kính khi lác do quy tụ điều tiết hay kèm tật khúc xạ.
+ Che mắt khi mắt lác bị nhược thị.
+ Phẫu thuật: Là điều chỉnh các cơ vận nhãn nhằm đưa 2 mắt về thẳng trục.
Vì thế, theo các bác sĩ nhãn khoa Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, dựa trên các dấu hiệu nhận biết lác mắt trên, các bố mẹ cần đưa con đi thăm khám và điều trị sớm nhằm mang lại hiệu quả chữa trị cao, giúp con có đôi mắt bình thường, trẻ có thể học hỏi và tự tin trong cuộc sống.