Dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở người lớn

09-09-2022 06:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhiều người cho rằng hen phế quản ở trẻ em mới đáng lo, người lớn ý thức được dấu hiệu của bệnh thì không có gì đáng ngại. Trên thực tế, điều này chưa hẳn đúng, khi người lớn xuất hiện cơn hen phế quản nặng, vẫn có thể nguy kịch đến tính mạng.

Hen phế quản: đối tượng dễ mắc, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trịHen phế quản: đối tượng dễ mắc, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

SKĐS - Theo ước tính của WHO, hiện nay trên khắp thế giới có khoảng 235 triệu người bị bệnh hen phế quản/hen suyễn. Nhiều người lầm tưởng rằng hen suyễn chỉ xảy ra ở những nước kém phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh xuất hiện ở mọi quốc gia. Trong đó hơn 80% trường hợp tử vong do hen suyễn xảy ra ở các nước đang phát

Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.

Vì vậy, việc nhận biết cơn khó thở và xử trí ban đầu đúng cách là hết sức quan trọng đối với bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi được đưa vào bệnh viện.

Trên lâm sàng, hen phế quản biểu hiện với các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Bệnh biến đổi theo mùa, nặng khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết. Các triệu chứng này có liên quan với sự biến đổi của luồng không khí thở ra do tình trạng tắc nghẽn đường thở (phù nề niêm mạc, co thắt cơ trơn, tăng tiết đờm).

Dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở người lớn - Ảnh 2.

Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm viêm mạn tính niêm mạc phế quản.

Dấu hiệu nhận biết cơn hen phế quản ở người lớn

Biểu hiện lâm sàng thường thấy là khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt thì thở ra; Thời điểm xuất hiện cơn khó thở về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi).

Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen: Ho khạc đờm, khó thở, cò cử, nặng ngực, nghe phổi có ran rít, ran ngáy.

Tiền sử bản thân: Viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn.

Tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản hoặc các bệnh dị ứng.

Khẳng định chẩn đoán nếu thấy cơn hen phế quản với các dấu hiệu đặc trưng:

+ Trước khi lên cơn hen người bệnh thường có các biểu hiện: Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ...

+ Sau những dấu hiệu đó xuất hiện, cơn hen phế quản với các triệu chứng: Thở khò khè nặng cả khi người bệnh hít vào lẫn thở ra. Người bệnh ho liên tục, thở rất nhanh.

Nếu nhận biết và điều trị kịp thời triệu chứng khó thở sẽ cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Nếu chậm trễ, các triệu chứng nặng hơn như: Đau ngực, nặng ngực, nói khó, cảm giác lo âu, bất an, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, tím môi và đầu ngón. Tình trạng trên nếu kéo dài, người bệnh sẽ bị giảm oxy máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức và có thể tử vong.

+ Cơn khó thở: Lúc bắt đầu khó thở chậm, có tiếng cò cứ người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5 - 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính.

Dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở người lớn - Ảnh 3.

Biểu hiên lâm sàng của hen phế quản thường thấy là khó thở, khò khè, thở rít.

Chẩn đoán hen phế quản

Sau khi khám lâm sàng, loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng giống hen phế quản như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, viêm phế quản co thắt... các bác sĩ chỉ định đo chức năng thông khí phổi.

- Khi đo với hô hấp ký:

  • Đo ngoài cơn: Kết quả chức năng thông khí (CNTK) phổi bình thường.
  • Trường hợp đo trong cơn: Rối loạn thông khí (RLTK) tắc nghẽn phục hồi hoàn toàn với thuốc giãn phế quản.

- Sự biến đổi thông khí đo bằng lưu lượng đỉnh kế.

Hen phế quản là bệnh biến đổi (không đồng nhất), được đặc trưng bởi tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính. Hai đặc điểm cơ bản của hen phế quản là bệnh sử của các triệu chứng hô hấp như thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho.

- Đo hô hấp ký để ghi nhận giới hạn luồng khí thở ra dao động.

- Các xét nghiệm khác bao gồm: 

  • Test kích thích phế quản: dùng để đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở.
  • Thử nghiệm dị ứng.
  • Đo nồng độ Oxit Nitric trong khí thở ra (FENO).

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Tiền sử thường hút thuốc lá, thuốc lào, ho khạc đờm kéo dài, khó thở liên tục.
  • Suy tim: Suy tim trái do tăng huyết áp, hẹp van hai lá.
  • Bất thường hoặc tắc đường hô hấp do nhuyễn sụn phế quản, u thanh - khí - phế quản, hẹp khí phế quản do chèn ép, xơ, dị dạng quai động mạch chủ, dị vật…
  • Trào ngược dạ dày thực quản với ho, khó thở hay xuất hiện khi nằm, cúi người về phía trước.
  • Rò thực quản - khí quản: Ho, khó thở hay xuất hiện, tăng lên khi ăn uống.
  • Giãn phế quản: Thường có ho khạc đờm từ nhiều năm với những đợt đờm nhầy mủ. Chụp X-quang tim phổi chuẩn hoặc chụp cắt lớp vi tính sẽ xác định bệnh.
Dấu hiệu nhận biết hen phế quản ở người lớn - Ảnh 5.

Người bệnh hen phế quản nên ăn uống hợp lý, bổ sung trái cây và rau xanh.

Cần xử trí cơn hen phế quản đúng

Để ngăn ngừa hạn chế tối đa việc xuất hiện những cơn khó thở cấp tính khiến bệnh nhân phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong, việc phát hiện cơn hen sớm là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, người bệnh hen cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định điều trị của bác sĩ và tránh các yếu tố khiến mình phải vào đợt khó thở cấp tính. Đồng thời, bên cạnh luôn luôn có bình thuốc cắt cơn khó thở dù đang ở bất cứ nơi nào.

Nếu thấy có biểu hiện cơn hen phế quản, người bệnh cần tránh xa (nếu được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện như khói thuốc lá, mùi hóa chất, phấn hoa, lông thú vật… và tìm một thoáng đãng để ngồi. Sau đó sử dụng thuốc để cắt cơn mà bác sĩ đã chỉ định để giảm cơn khó thở cấp.

Tóm lại: Hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, được khởi phát bởi các yếu tố kích thích (thường là tác nhân dị ứng). Hen phế quản không lây lan từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền. Người lớn hay trẻ em khi mắc hen cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ để kiểm soát hen tốt, điều này giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi lối sống bằng cách tập thể dục đều đặn, vừa phải. Ăn uống hợp lý, bổ sung trái cây và rau xanh.

Phòng tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen như: Tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ… Bệnh nhân cần được theo dõi và tái khám, để bác sĩ có thể đánh giá mức độ kiểm soát hen trên bệnh nhân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp về kế hoạch điều trị trong thời gian tiếp theo.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


ThS. BS Nguyễn Trần Ngọc Thuý
Ý kiến của bạn