Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm bì cơ

21-09-2022 11:04 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nếu các ngón tay, khuỷu tay, đầu gối của bạn có sẩn, dát đỏ bong vảy… thì cần đi khám ngay vì đây là những biểu hiện của bệnh viêm bì cơ.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm bì cơ

Viêm bì cơ là bệnh tự miễn, thương tổn chủ yếu là viêm da và cơ, tỷ lệ nữ hay gặp hơn nam. Hiện nay căn nguyên cũng chưa rõ ràng, người ta ghi nhận có một vài yếu tố liên quan đến sự xuất hiện bệnh bao gồm yếu tố di truyền và yếu tố nhiễm khuẩn.

Các nguyên nhân nhiễm khuẩn do Coxsackie B, Echovirus, Streptococcus pyogenes, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa và hoặc sử dụng kháng sinh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có đáp ứng miễn dịch dịch tễ và miễn dịch tế bào, đồng thời xác định được các phức hợp miễn dịch tại các cơ bị viêm và trong huyết thanh của những bệnh nhân viêm bì cơ.

Ngoài ra các bệnh ác tính có thể là nguyên nhân bao gồm viêm bì cơ khởi phát ở người lớn tuổi, thường là khối u rắn hoặc khối u ác tính huyết học.

Đau cơ, tổn thương da cảnh giác với viêm bì cơ - Ảnh 1.

Các biểu hiện tổn thương da ở người bệnh viêm bì cơ.

2. Dấu hiệu nhận biết viêm bì cơ

Bệnh viêm bì cơ khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp ở lứa tuổi thiếu niên trước 10 tuổi hoặc ở người lớn từ 40-60 tuổi, nếu trên 50 tuổi, bệnh thường kèm theo ung thư. Tuổi khởi phát ở nam muộn hơn nữ và chủ yếu có các biểu hiện:

- Biểu hiện ở cơ:

Người bệnh có biểu hiện yếu cơ tiến triển biểu hiện bằng các dấu hiệu như không lên được cầu thang, ngồi xổm khó, không giơ được tay lên trên,… Đau cơ đặc biệt là khi cử động, đi lại ở giai đoạn cuối sẽ có biểu hiện teo cơ. Nếu các cơ ở mặt bị thì có khả năng kèm theo u ác tính.

- Biểu hiện ở da

Người bệnh viêm bì cơ sẽ có thể thấy tổn thương ở da xuất hiện trước khi có các triệu chứng ở cơ với các biểu hiện tại da dát đỏ tím (màu rượu vang), có vảy, có thể teo, tăng hoặc giảm sắc tố sau một thời gian tiến triển.

Cụ thể, giãn mạch quanh các móng tay, móng chân - các dát đỏ xung quanh các móng tay, móng chân do hiện tượng giãn mạch, có thể có hiện tượng xuất huyết; Sẩn Gottron (Gottrons’ papules) ở các khớp ngón tay; Lắng đọng canxi dưới da, cơ, xương có thể loét…

Các ngón khô, ráp, nứt nẻ, tăng sắc tố, dày sừng. Chứng loang lổ da biểu hiện là các thương tổn tăng, giảm sắc tố lẫn lộn hay gặp ở vùng lưng, ngực,...

Thương tổn giống không điển hình, giống thương tổn trong các bệnh như: Lichen, xơ cứng bì, viêm da ánh nắng,...

Các biểu hiện tổn thương khác ở người bệnh viêm bì cơ là: người bệnh có biểu hiện đau khớp; xơ phổi, tại mắt có biểu hiện viêm mống mắt thể mi. Toàn thân người bệnh viêm bì cơ có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, sụt cân…

3. Các thể viêm bì cơ thường gặp

- Viêm da cơ ở trẻ em: Thể viêm da cơ trẻ em không liên quan với khối u ác tính với biểu hiện sốt nhẹ, tăng nguy cơ biểu hiện các triệu chứng của dạ dày ruột và triệu chứng viêm khớp. Tim mạch có tổn thương, thường ở block nhánh phải gặp 50% của nhóm này - Block nhánh phải là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng tim đập chậm, mệt mỏi, choáng váng, ngất xỉu.

- Hội chứng chồng lấp ở người bệnh viêm bì cơ: Ngoài biểu hiện của viêm bì cơ, người bệnh còn có những biểu hiện của một trong các bệnh như: viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm cục quanh động mạch, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren. Hội chứng chồng lấp gặp nhiều ở nữ hơn nam với các biểu hiện viêm đa khớp, khô các tuyến ngoại tiết, xơ cứng ngón, hiện tượng Raynaud.

- Viêm bì cơ không có biểu hiện cơ: Ở thể chiếm khoảng 2-11% viêm bì cơ, người bệnh có thương tổn đặc trưng ở da, nhưng không có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng của viêm cơ. Người bệnh thường mệt mỏi, thờ ơ, ngứa, nhạy cảm với ánh sáng.

Nếu không có biểu hiện yếu cơ trên lâm sàng nhưng bệnh nhân xét nghiệm siêu âm, MRI, sinh thiết cơ có biểu hiện bất thường nên xếp vào thể viêm bì cơ ít có biểu hiện cơ.

- Viêm bì cơ và ung thư: Ở thể này chiếm tỷ lệ cao và thường gặp nhất ở những người trên 50 tuổi. Người bệnh viêm bì cơ thường kèm theo ung thư, hay gặp là loại ung thư buồng trứng, dạ dày và u lympho; ngoài ra còn gặp ung thư phổi, ung thư cơ quan sinh dục nam, da, u sùi dạng nấm.

4. Lời khuyên thầy thuốc

Là một bệnh tự miễn nên không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, viêm bì cơ không được điều trị sẽ có nhiều biến chứng, 2/3 số người bệnh có thể tái phát và gặp các biến chứng lâu dài như: Loãng xương, calci hóa, biến chứng nhiễm khuẩn, biến chứng suy hô hấp, thủng ruột hay gặp trên người bệnh có thương tổn loét da.

Vì vậy, việc điều trị sớm là rất cần thiết, sẽ giúp người bệnh cải thiện sức mạnh của cơ, ngăn chặn teo cơ, cứng khớp. Phòng ngừa và giảm biến chứng ngoài cơ, giảm thương tổn da.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ người bệnh cần nghỉ ngơi trong thời kỳ viêm, tránh nắng.

Cần chú ý đến chế độ ăn dinh dưỡng đầy đủ phù hợp với thuốc toàn thân sử dụng. Tập thể dục thường xuyên, vật lý trị liệu và chế độ tập thể dục giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp.

Mời độc giả xem thêm video:

Con đường lây lan virus Adeno và cách phòng ngừa - SKĐS



ThS.BS. Nguyễn Thị Hoa
Ý kiến của bạn