Dấu hiệu nhận biết bệnh sa sút trí tuệ qua các giai đoạn

11-02-2023 18:10 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sa sút trí tuệ là tình trạng mất trí nặng tiến triển. Bệnh ngày càng trở nên phổ biến khi tuổi thọ người dân tăng dần, đưa đến nhiều người có nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh.

1. Nguyên nhân sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ liên quan đến sự hủy hoại các tế bào thần kinh hiện diện ở một số vùng của não. Theo thời gian thoái hóa xảy ra ở tất cả các bộ phận của cơ thể trong đó có não bộ, nên tình trạng sa sút trí tuệ thường gặp ở người lớn tuổi.

Có nhiều vấn đề có thể gây ra mất trí như sự thoái hóa thần kinh bệnh alzheimer, parkinson và huntington. Trong đó, alzheimer là nguyên nhân cho 50-70% các trường hợp mất trí. Các bệnh lý cũng có thể gây ra mất trí trong đó có thể thấy là bệnh tim mạch, đột quỵ, trầm cảm và việc dùng thuốc điều trị mạn tính cũng có thể gây mất trí.

2. Biểu hiện sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ có biểu hiện rất phong phú và đa dạng, tùy vào mỗi bệnh nhân ở mỗi trường hợp bệnh nhân mà có thể có các biểu hiện khác nhau. Biểu hiện thường thấy có thể kể đến như:

  • Suy giảm trí nhớ và đây được xem như triệu chứng sớm và điển hình nhất của sa sút trí tuệ.
  • Sau đó là rối loạn ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp ở nhiều người bệnh.
  • Ngoài ra người bệnh có các biểu hiện khác như: Khó khăn trong các việc cá nhân phức tạp, khó khăn trong các chức năng phối hợp và vận động, thay đổi nhân cách, hoang tưởng, kích động…
Dấu hiệu nhận biết bệnh sa sút trí tuệ qua các giai đoạn - Ảnh 1.

Suy giảm trí nhớ được xem như triệu chứng sớm và điển hình nhất của sa sút trí tuệ. Ảnh minh hoạ

3. Các giai đoạn của sa sút trí tuệ

- Giai đoạn không suy giảm. Ở giai đoạn này, alzheimer không thể phát hiện được và không có vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng sa sút trí tuệ khác.

- Giai đoạn suy giảm rất nhẹ. Ở giai đoạn này biểu hiện có thể nhận thấy những vấn đề nhỏ ở người bệnh về trí nhớ hoặc mất đồ đạc xung quanh nhà. Người bệnh vẫn sẽ làm tốt các bài kiểm tra trí nhớ và bệnh nhân khó có thể được phát hiện bởi những người thân, nhưng người bệnh thường than phiền về việc quên đi các đồ đạc vừa để đâu đó.

- Giai đoạn suy giảm nhẹ. Ở giai đoạn này các biểu hiện rõ nét hơn, người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt bao gồm: thường xuyên quên đồ vật nhưng không thể nhớ ra được, bởi thế dễ mất những vật dụng cá nhân, không nhớ tên người quen mới...

- Giai đoạn suy giảm vừa phải. Giai đoạn này các biểu hiện càng trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt. Khó khăn với các con số nên khi tính tiền mua bán bị rắc rối. Không nhớ lại những gì họ đã ăn vào bữa sáng; Không có khả năng quản lý tài chính và thanh toán hóa đơn; Có thể quên chi tiết về quá khứ cuộc sống của chính mình…

- Giai đoạn suy giảm nghiêm trọng: Giai đoạn này là giai đoạn trầm trọng nên người bệnh bắt đầu cần giúp đỡ với nhiều hoạt động hàng ngày. Người bệnh khó mặc quần áo phù hợp; Không có khả năng nhớ lại các chi tiết đơn giản về bản thân như số điện thoại của chính họ,… và cuối cùng, người bệnh sẽ mất dần các chức năng quan trọng của con người, không còn tự ăn uống tiêu tiểu được.

4. Sa sút trí tuệ, cần làm gì?

Để chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu dựa vào lâm sàng. Sử dụng các trắc nghiệm thần kinh - tâm lý giúp chẩn đoán chính xác sa sút trí tuệ và mức độ nặng của bệnh. Hiện nay trắc nghiệm thần kinh tâm lý đang được ứng dụng rộng rãi và có giá trị cao. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, đánh giá cụ thể.

Điều trị sa sút trí tuệ càng sớm càng hiệu quả và việc điều trị còn tùy thuộc vào từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu phát hiện bệnh sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Kết hợp với tiến trình điều trị là quá trình chăm sóc bệnh nhân giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Ngoài ra, vấn đề tâm lý xã hội với lối sống tích cực gắn kết với xã hội ở tuổi trung niên và tuổi già cũng có thể có tác dụng bảo vệ hoặc làm chậm sự khởi phát sa sút trí tuệ cho người cao tuổi.

Lời khuyên thầy thuốc

Không có cách nào để phòng ngừa sa sút trí tuệ, nhưng một số điều có thể giúp ích để làm chậm lại sa sút trí tuệ bằng cách hoạt động trí óc thường xuyên, hoạt động thể chất và hoạt động xã hội.

Bỏ hút thuốc, ổn định huyết áp vì nếu tăng huyết áp có thể dẫn đến một nguy cơ cao của một số loại sa sút trí tuệ.

Khi nghi ngờ người thân bị sa sút trí tuệ, nhanh chóng đưa họ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa tâm thần, thần kinh hoặc lão khoa để có biện pháp điều trị kịp thời.

Mời xem thêm video:

Căn Bệnh Còn Đáng Sợ Hơn Cả Ung Thư - SKĐS


TS. BS. Ngô Thị Phượng
Ý kiến của bạn