Dấu hiệu nhận biết bệnh cúm và cách phân biệt với cảm lạnh

21-02-2019 07:13 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thời tiết nồm ẩm của mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc, virus phát triển, cũng là mùa của bệnh cúm. Đa phần các loại cúm chỉ gây khó chịu, mệt mỏi, đau nhức, hắt hơi, sổ mũi…. nhưng với những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính… bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm.

Cúm là bệnh phổ biến, bất cứ ai cũng từng mắc bệnh cúm ít nhất  một lần trong đời. Điều quan trọng khi mắc bệnh là cần phải tìm hiểu xem loại cúm mà bạn đang mắc là gì, tốt nhất nên điều trị cúm trong vòng 48 giờ kể từ khi các triệu chứng xuất hiện. Cần thiết nhất ở người mắc bệnh cúm phải xác định được chủng cúm bởi có một số loại cúm tiến triển nhanh, biến chứng nặng…. thậm chí có thể gây tử vong.

Một số dấu hiệu dưới đây có thể là gợi ý bạn cần phải chú ý với bệnh cúm:

Triệu chứng cúm xuất hiện nhanh và dồn dập

Nếu bạn có các triệu chứng đột ngột như đau họng, sốt, nhức đầu, đau cơ, nghẹt mũi, ho….  có thể bạn đã mắc cúm. So với cảm lạnh, thường các triệu chứng  ít hơn và không dồn dập một lúc. Cúm thường do virus gây nên và thông thường sẽ hết sau từ 2 đến 5 ngày, nhưng có người  thấy hết cúm trong một tuần hoặc lâu hơn. Cảm lạnh thường kéo đến từ từ và kéo dài đến 10 ngày.

Sốt

Cảm cũng gây sốt, chỉ sốt nhẹ, trong khi nếu bạn bị cúm, bạn có thể sốt cao từ 38-40 độ C. Sốt do cúm ở trẻ em có xu hướng cao hơn.

Mệt mỏi kéo dài hàng tuần

Khi bị cúm, người bệnh có thể bắt đầu cảm thấy vô cùng mệt mỏi và đau nhức khắp người. Sự mệt mỏi đó có thể kéo dài đến 3 tuần - hoặc lâu hơn ở người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính hoặc người có hệ miễn dịch yếu. Khi bị cảm, bạn thường cảm thấy mệt mỏi  chỉ trong vài ngày.

Đau đầu

Đau đầu là biểu hiện thường thấy khi mắc cúm, tuy nhiên, bị cảm lạnh vẫn có thể xuất hiện đau đầu giống như các triệu chứng bệnh do virus gây ra. Những cơn đau đầu do cảm lạnh thường nhẹ hơn so với bệnh cúm.

Ho

Ở người bị cảm cúm, ho là triệu chứng thông thường ở đường hô hấp, với cảm lạnh cũng vậy, nó cũng ảnh hưởng đến đường thở của bạn, vì vậy có thể gây ho. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là viêm phổi với biểu hiện ho nặng. Nếu người bệnh có triệu chứng ho nhiều, dai dẳng, kèm theo sốt cao, ớn lạnh, khó thở hoặc đau ngực khi ho cần nghĩ tới biến chứng lên phổi của cúm, người bệnh cần được khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

Đau tai

Khi mắc cảm cúm hoặc cảm lạnh dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp, làm cho áp lực trong tai tăng lên. Nó có thể gây đau tai âm ỉ, giảm thính lực. Nếu cơn đau tai kéo dài, đến đột ngột hoặc khi hết cảm vẫn cảm thấy đau, có thể bạn đã bị nhiễm trùng tai, cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. Đau tai ở cảm cúm hoặc cảm lạnh sẽ hết cùng với các triệu chứng khác của bạn.

Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh

Khi bị cảm lạnh, đau họng thường xuất hiện trong 1 đến 2 ngày, sau đó người bệnh sẽ chảy nước mũi và nghẹt mũi. Với cảm cúm, đau họng thường đi kèm với mệt mỏi và các triệu chứng khác xuất hiện cùng một lúc dồn dập.

Nhiễm trùng xoang

Nghẹt mũi là triệu chứng đầu tiên của bệnh cảm, cả cảm lạnh và cúm đều có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang. Dịch mũi có màu vàng hoặc xanh, nhiễm trùng xoang còn gây đau đầu và đau ở trán, má và sống mũi. Đôi khi, bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn thứ cấp ở xoang, cần điều trị bằng kháng sinh.

Xét nghiệm cúm

Cách nhanh nhất và tốt nhất để biết bạn mắc bệnh gì là đi xét nghiệm tại cơ sở y tế. Bằng cách lấy tăm dịch ở mũi hoặc họng, bác sĩ có thể biết bạn có bị nhiễm virut cúm hay không.

Cách phòng bệnh cúm

Cúm là bệnh do virus gây ra, bệnh dễ lây lan trong cộng đồng, hoặc nhóm người do tiếp xúc gần. Virus lây truyền do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi, bay vào mắt, mũi, tay người lành. Do đó cách phòng bệnh cúm tốt nhất là rửa tay và vệ sinh nhà cửa, đồ dùng xung quanh giúp không lây lan cúm cho người khác. Tốt nhất nên sử dụng xà phòng và nước ấm, chà  hai bàn tay vào nhau trong 20 giây. Đừng quên các khu vực giữa các ngón tay và xung quanh móng tay của bạn. Rửa sạch và lau khô. Có thể dùng nước rửa tay khô chứa cồn cũng có tác dụng.

Rửa thường xuyên trong mùa cúm, nhất là sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Khi không tìm thấy khăn giấy để xì mũi, che khi ho, hắt hơi, có thể  dùng  khuỷu tay của bạn thay vì bàn tay che miệng khi ho, hắt hơi.

Tiêm vaccin

Hãy tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm 1 lần. Tiêm phòng cúm rất quan trọng đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người lớn từ 50 tuổi trở lên và những người mắc bệnh mãn tính hoặc người có hệ miễn dịch yếu.


Hải Yến
Ý kiến của bạn