Những nghiên cứu gần đây cho thấy, sở dĩ một người bị phình động mạch chủ bụng là do mảng xơ vữa mạch máu, trong đó trên 90% là xơ vữa động mạch dưới chỗ phân nhánh động mạch thận, hoặc chỗ phân nhánh động mạch chủ. Các nguy cơ gây phình mạch là tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn lipid máu, nhiễm khuẩn, chấn thương, viêm động mạch, hút thuốc, có phình động mạch ở vị trí khác như động mạch khoeo, đùi, bệnh có tính di truyền...
Ai dễ bị phình động mạch chủ bụng?
Bình thường đường kính của động mạch chủ dưới chỗ phân nhánh động mạch thận khoảng 2cm, nên khi thấy đường kính vượt quá 4cm là dấu hiệu phình mạch. Dấu hiệu phình mạch phần lớn được phát hiện tình cờ trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khi bệnh nhân đi khám một bệnh khác. Số ít trường hợp được chẩn đoán khi đã có biến chứng doạ vỡ như đau, vỡ túi phình, viêm tắc mạch máu...
Những trường hợp phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng hầu hết gặp ở nam giới trên 50 tuổi; khám phát hiện mạch nảy ở vùng bụng giữa và dưới hoặc nhờ siêu âm tình cờ phát hiện ra phình mạch. Nếu bệnh nhân gầy, thành bụng mỏng, có thể thấy một khối u đập theo nhịp mạch nằm ở vùng trên rốn, nghe thấy âm thổi. Mạch ngoại biên có dấu hiệu chỉ điểm như phình động mạch khoeo thường đi kèm với phình động mạch chủ bụng.
Nếu phình mạch có triệu chứng gồm các dấu hiệu: đau ở 25-35% số bệnh nhân, với mức độ từ nhẹ đến nặng; đau vùng quanh rốn đến đoạn thắt lưng; đau có thể liên tục hay từng cơn. Có thể gặp huyết khối ngoại vi, phình mạch nhỏ, hoặc triệu chứng thiếu hụt tuần hoàn ở chi dưới. Tắc mạch chi dưới gây đau, tím, liệt, mất mạch, bắt mạch đùi, khoeo, mu chân sẽ phát hiện tắc mạch chi.
Hình ảnh phình tách động mạch chủ.
Tiến triển và biến chứng
Rò động mạch chủ bụng - tĩnh mạch chủ dưới có biểu hiện triệu chứng của suy tim, suy thận, phù chi dưới, nghe bụng có âm thổi như tiếng xay lúa. Rò động mạch chủ bụng - tá tràng, bệnh nhân nôn và đi tiêu ra máu đỏ. Vỡ mạch: Thường có dấu hiệu báo trước là đau bụng hoặc đau lưng tương ứng với vị trí phình mạch; có thể vỡ tự do vào trong xoang phúc mạc hay vỡ sau phúc mạc. Trường hợp vỡ tự do, bệnh nhân bị trụy tim mạch với tỷ lệ tử vong cao. Nếu vỡ sau phúc mạc, bệnh nhân bị đau bụng hay đau lưng dữ dội, da tái nhợt, vã mồ hôi, tụt huyết áp. Vỡ phình mạch chủ gây tử vong trước khi vào viện 25-50% số bệnh nhân và thêm một số khác tử vong trước khi lên bàn mổ. Vỡ phình mạch chảy máu khu trú ở sau màng bụng có thể gây đau dữ dội vùng bụng, cạnh sườn hoặc lưng. Những bệnh nhân này đòi hỏi phải phẫu thuật cầm máu cấp cứu nhưng tỷ lệ tử vong của các trường hợp phẫu thuật cấp cứu do vỡ phình mạch là khá cao, trên 50%.
Do động mạch chủ bụng là động mạch lớn nhất trong cơ thể, lưu lượng tuần hoàn rất lớn, đồng thời đoạn động mạch bị phình có thành mạch yếu; mặt khác, huyết động trong đoạn phình mạch có dòng chảy xoáy, dội vào thành mạch nên rất dễ vỡ, đặc biệt những túi phình có đường kính trên 5cm. Khi túi phình bị vỡ thì nguy cơ tử vong là rất cao, để lại nhiều di chứng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Do bệnh có liên quan đến xơ vữa động mạch và tăng huyết áp, nên các phương thức phòng ngừa và điều trị hai yếu tố trên được coi là biện pháp phòng tránh bệnh chủ yếu. Mọi người nên hạn chế ăn mỡ, điều chỉnh rối loạn lipid máu, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ, khống chế tốt huyết áp, điều chỉnh đường huyết... Ở người cao tuổi, cần cảnh giác với các khối u đập theo nhịp mạch ở vùng bụng và đến khám sớm để có thể theo dõi và điều trị kịp thời.
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi (trên 50), đặc biệt có kèm thêm các bệnh về tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá... là những người có nguy cơ cao, nên chú ý tự thăm khám và sờ nắn vùng bụng của mình. Nếu thấy có một khối bất thường, đập theo nhịp tim thì nên đi khám bệnh ngay để được xác định và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân ở trong nhóm nguy cơ nói trên bị béo phì, bụng phệ thì việc tự sờ ra khối phình ở bụng mình sẽ khó khăn. Nên siêu âm bụng định kỳ để phát hiện sớm phình động mạch chủ bụng.