1. Da thiếu vitamin A
Khi thiếu vitamin A, cơ thể mệt mỏi, thị lực buổi tối giảm... Riêng đối với làn da sẽ dễ mắc các bệnh như da khô, tróc vảy, làm nặng thêm tình trạng viêm da cơ địa, xuất hiện mụn nhiều ở má, cánh tay và đùi…
Để giải quyết vấn đề này, nên bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm giàu vitamin A như: Gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải xanh, bí đỏ, cà rốt, xoài… Không nên bổ sung dưới dạng thuốc liều cao nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.
2. Da thiếu vitamin B
Mỗi loại vitamin nhóm B lại có tác động đến sức khỏe làn da khác nhau:
- Thiếu vitamin B2: Vitamin B2 là một trong các thành phần tham gia vào quá trình sản sinh collagen cho da. Vì thế khi cơ thể thiếu hụt vitamin B2, da sẽ nhanh bị lão hóa, xuất hiện nếp nhăn sớm. Vitamin B2 có nhiều trong thịt đỏ, trứng, sữa, rong biển, mè, hạnh nhân… Nên chú ý tăng cường nhóm thực phẩm này trong bữa ăn hằng ngày để có thể được bổ sung đầy đủ.
- Thiếu vitamin B3: Vitamin B3 tham gia vào quá trình tổng hợp collagen, do đó khi cơ thể thiếu sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình này. Từ đó da và tóc sẽ không được nuôi dưỡng đầy đủ, với các biểu hiện: Làn da bị xỉn màu, khô ráp, bóc vảy, dễ bị nhiễm phù và viêm da, nhất là những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng. Tóc dễ gãy rụng và khô xơ.
Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B3: Thịt lợn nạc, thịt gà tây, thịt bò, cá hồi, cá ngừ, cá cơm…
- Thiếu vitamin B6: Sẽ có các biểu hiện như mất ngủ, gây rụng tóc nhiều và xuất hiện các vấn đề trên da: Dễ bị phát ban, ngứa da khô, bong tróc vảy, dễ bị viêm da tiết bã, nứt nẻ môi, viêm lưỡi…
Vitamn B6 có trong hầu hết các loại thực phẩm như: Cá ngừ, cá hồi, thịt bò, ức gà, gan, ngũ cốc, các loại đậu, nấm men, chuối, trái cây khô, cải bó xôi, cà rốt…
- Thiếu vitamin B12: Với biểu hiện da tái nhợt kèm theo mệt mỏi, uể oải, chán nản… Để bổ sung, cần tăng cường các loại thực phẩm: Thịt bò, cá hồi, trứng, sữa, phomai…
3. Da thiếu vitamin C
Khi cơ thể thiếu vitamin C các vết thương hở hoặc gãy xương sẽ lâu lành, lâu cầm máu. Trên da xuất hiện các đốm nám, tàn nhang, dễ bị cháy nắng.
Để cung cấp vitamin C, hằng ngày nên bổ sung trái cây như cam, quýt, dâu tây, đu đủ chín, kiwi, táo, ổi, ớt, bông cải xanh…
4. Da thiếu vitamin E
Do khả năng chống oxy hóa nên vitamin E có vai trò làm mềm da, chống lão hóa. Khi thiếu vitamin E, ngoài cảm giác chân tay rã rời, mệt mỏi, da dễ đổ mồ hôi, thì còn khiến da khô, bong tróc, dễ tổn thương; tóc khô chẻ ngọn, dễ đứt gãy…
Bổ sung từ nguồn gốc tự nhiên như hạt hướng dương, hạnh nhân, đậu phộng, quả bơ, cải bó xôi, bí đỏ, măng tây, bông cải xanh… sẽ giúp khôi phục làn da khỏe, sáng mịn, hạn chế nếp nhăn. Ngoài ra, vitamin E còn được sử dụng để hạn chế tình trạng viêm da, mụn trứng cá, vảy nến…
Mời độc giả xem thêm video:
Dấu hiệu cơ thể thừa vitamin D | SKĐS