Lách là một cơ quan của cơ thể con người có chức năng quan trọng trong việc bảo vệ chống lại bệnh sốt rét vì chúng có khả năng giữ lại hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét và cả hồng cầu bình thường nhạy cảm với kháng thể sốt rét hòa tan. Ngoài ra, lách còn tham gia khá sớm vào cơ chế miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể nhờ có đại thực bào và những kháng thể được sản sinh trong lách. Vì vậy, ngay sau khi ký sinh trùng sốt rét xâm nhập cơ thể, lách có thể tăng thể tích do sự sung huyết. Tính chất lách sưng to tùy thuộc trường hợp bệnh nhân bị mắc sốt rét thể thông thường, sốt rét tái nhiễm hay sốt rét ác tính.
Đối với sốt rét thể thông thường: Khám thực thể lâm sàng thấy lách sưng to ít, lúc đầu chưa sờ thấy nhưng ít tuần sau đó lách sưng to vừa, tính chất mềm, màu đỏ tím. Về vi thể thấy ở phần tủy đỏ, các xoang tĩnh mạch giãn rộng chứa đầy hồng cầu nhiễm ký sinh trùng sốt rét, hồng cầu bị tiêu hủy, huyết cầu tố hemoglobin, hemosiderin là một tổ hợp có chứa sắt không hòa tan trong nước, sắc tố sốt rét hemozoin...; tế bào nội mô các mạch máu phình ra, tế bào võng của dây Billroth cũng tăng sinh; những tế bào này cùng với mô bào, bạch cầu trong lách và trong máu biến thành các đại thực bào; chúng có khả năng ăn sắc tố sốt rét hemozoin, ký sinh trùng sốt rét ở thể tự do hoặc ở trong hồng cầu, những phức hợp miễn dịch có phân tử lớn như kháng thể kháng ký sinh trùng sốt rét. Ở phần tủy trắng, các tiểu thể Malpighi rất ít sắc tố sốt rét hemozoin, rất ít lympho bào B.
Khám lách là một yêu cầu cần thiết để phát hiện lách sưng to ở bệnh nhân sốt rét (ảnh minh họa).
Đối với sốt rét tái nhiễm: Lách sưng to thường tương đối nhanh, trọng lượng có thể nặng từ 500 gam cho đến 2 - 3 kilogam, rắn chắc, có màu xám. Hồng cầu bị tiêu hủy nhiều, huyết cầu tố hemoglobin và nhiều sắc tố sốt rét hemozoin màu đen bám quanh vách các mạch máu nhỏ. Sau đó, nhu mô lách giảm bớt bộ rắn chắc và lách dễ bị vỡ khi ngã.
Đối với sốt rét ác tính: Lách thường sưng to, màu đỏ sẫm, có lấm tấm các ổ chảy máu nhỏ. Trong xoang tủy đỏ có rất nhiều đại thực bào chứa sắc tố sốt rét hemozoin, những ký sinh trùng sốt rét ở thể tự do hoặc ở trong hồng cầu, nhiều hồng cầu bị tiêu hủy, nhiều huyết cầu tố hemoglobin, hemosiderin, sắc tố sốt rét hemozoin. Một số mạch máu nhỏ có hồng cầu, tiểu cầu kết dính gây nghẽn mạch, tạo thành các ổ nhồi máu và hoại tử nhu mô lách, kích thước to hay nhỏ tùy thuộc vào khẩu kính của mạch máu bị nghẽn.
Diễn biến của triệu chứng lách sưng to cũng thay đổi tùy theo từng trường hợp. Nếu sốt rét được điều trị tốt, không bị tái nhiễm bệnh, sắc tố sốt rét hemozoin bị thực bào hết, mạch máu co lại thì lách thu nhỏ lại dần như lúc khỏe mạnh bình thường. Ở trường hợp sốt rét dai dẳng, người bệnh bị tái nhiễm và tái phát nhiều lần khi sống tại vùng sốt rét lưu hành, lách có khi co rút rất chậm, không thu lại được như cũ, tính chất lách tiếp tục rắn chắc mặc dù nhiều lần xét nghiệm không phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét trong máu. Về vi thể, có thể thấy các ổ hoại tử lắng muối vôi, tổ chức lách bị xơ hóa, tế bào sợi phát triển từ các dây xơ và từ các ổ hoại tử sẽ bị sẹo hóa dần.
Tẩm màn chống muỗi phòng sốt rét. Ảnh: TL
Hiện nay, bệnh sốt rét ở các địa phương đang được phòng chống tốt, tình trạng tái nhiễm và tái phát bệnh đã khống chế có hiệu quả, vùng sốt rét lưu hành được thu hẹp lại dần nên ít phát hiện triệu chứng lách sưng to như thời gian trước đây. Tuy vậy khi khám bệnh sốt rét, nên quan tâm đến triệu chứng lách sưng to vì các nhà khoa học khuyến cáo khi mới bị nhiễm bệnh sốt rét, có khoảng 60 - 70% bệnh nhân bị lách sưng to, hơi đau, sờ thấy dưới bờ sườn trái, chưa rắn chắc, thường ở độ 1 và độ 2; lách có thể trở về mức bình thường nếu được điều trị tốt.