(Trần Bắc Hà - Đồng Tháp)
Có thể khẳng định dấu hiệu gan nhiễm mỡ hoàn toàn không có gì nguy hiểm như người ta hay “hù”. Gan nhiễm mỡ chỉ là một dấu hiệu như các dấu hiệu khác (sổ mũi, nhức đầu, đau bụng,...), chúng ta chỉ sợ một bệnh cụ thể nào đó vì nó gây nguy hiểm. Như vậy sẽ không chính xác nếu chỉ ghi chẩn đoán đơn thuần là gan nhiễm mỡ vì đây là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau, bệnh mà nó gây ra dấu hiệu gan nhiễm mỡ mới là cái gây nguy hiểm.Khi gặp triệu chứng này người bệnh nên yêu cầu bác sĩ phải tìm cho ra bệnh đã gây ra và điều trị bệnh gốc đó chứ không phải chẩn đoán gan nhiễm mỡ rồi cho hàng lô hàng lốc thuốc “bổ gan”.
Gan nhiễm mỡ gây ra bởi sự rối loạn chuyển hóa chất mỡ trong cơ thể, 2 chất mỡ hay được để ý là cholesterol và triglycerid; việc tăng triglycerid mới là tác giả của vấn đề.Sự tăng triglycerid thường liên quan đến chế độ ăn thừa chất béo. Tất cả các bệnh gây rối loạn chuyển hóa chất mỡ đều có khả năng gây gan nhiễm mỡ như: bệnh đái tháo đường, nghiện rượu, rối loạn chuyển hóa do di truyền, béo phì, bệnh lý gan mãn, dùng thuốc,...
Khi một người được chẩn đoán gan nhiễm mỡ, không nên quá lo lắng.Nếu có bệnh lý rối loạn chuyển hóa như nêu trên bác sĩ sẽ điều trị ngay mà không chú ý đến gan nhiễm mỡ, lúc này mới đáng lo ngại vì bệnh lý gốc ấy.
Phần lớn các trường hợp bác sĩ chỉ chẩn đoán gan nhiễm mỡ và bạn không có triệu chứng gì, đều do béo phì, dư cân hoặc thói quen ăn quá nhiều chất béo. Khi được chẩn đoán là gan nhiễm mỡ cần chú ý thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế ăn các chất béo động vật, nên ăn dầu, bỏ hẳn rượu bia,... tập thể dục thường xuyên để cố gắng giảm cân và làm lại các xét nghiệm (cả siêu âm) mỗi 3 - 6 tháng. Đã có nhiều bài viết về bệnh gan nhiễm mỡ nhưng tòa soạn vẫn thường xuyên nhận được thắc mắc và sự lo lắng của bạn đọc khi mình bị chẩn đoán là gan nhiễm mỡ. Trong các đợt khám sức khỏe định kỳ hàng năm của người lao động, nếu đơn vị có tổ chức làm siêu âm tổng quát, số lượng người bị gan nhiễm mỡ chiếm tỷ lệ đáng kể.