Dấu hiệu của viêm cơ tim không đặc hiệu, trước khi có triệu chứng rầm rộ thì người bệnh có thể có các biểu hiện chung giống như nhiễm cúm với các triệu chứng mệt mỏi, đau mỏi khớp, đau đầu, đau họng, sốt, tiêu chảy. Giai đoạn sớm này thường không được phát hiện do người bệnh nghĩ mình mắc cúm. Sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng ở tim mạch. Ở người lớn có thể gặp khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức, đau ngực, hồi hộp, trống ngực, thậm chí là ngất. Ở trẻ em có thể thấy tím môi, thở nhanh, hay mệt thỉu. Do đó, khi có triệu chứng nhiễm virut mà có đau ngực nhiều hay thấy tim đập nhanh, loạn nhịp, cần phải đi khám sớm.
Chẩn đoán khó khăn
Chẩn đoán viêm cơ tim có thể khó khăn do hiện chưa có xét nghiệm đặc hiệu và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt nếu gặp ở người trung niên hay cao tuổi. Trong thực hành lâm sàng, việc chẩn đoán viêm cơ tim dựa vào triệu chứng đau, các bằng chứng viêm, điện tâm đồ có biến đổi đoạn ST-T và có rối loạn vận động vùng ở toàn bộ cơ tim trên siêu âm tim. Hiện nay, chụp cộng hưởng từ tim (MRI) với các dấu hiệu thâm nhiễm viêm và phù tế bào có giá trị rất tốt trong chẩn đoán viêm cơ tim.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim chủ yếu dựa vào sinh thiết cơ tim. Tuy nhiên, việc sinh thiết cơ tim có nhiều nguy cơ và ít được thực hiện.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho viêm cơ tim. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân được theo dõi, làm xét nghiệm men tim và siêu âm đánh giá chức năng tim. Trường hợp nặng cần được điều trị suy tim với thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển, vận mạch hay thậm chí dùng các thiết bị hỗ trợ tim phổi.
Hiện nay chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho viêm cơ tim. Phòng viêm cơ tim chủ yếu là các biện pháp dự phòng nhiễm virut như tránh nhiễm lạnh, giữ vệ sinh, luyện tập thể dục thể thao và tiêm phòng.
ThS.BS. Trần Vũ Hoàng