Nguyên nhân chính gây bệnh thường là virus HHV6 (Human Herpes 6) hoặc HHV7 (Human Herpes 7). Ngoài ra, bệnh cũng có thể do một số loại virus khác như virus gây bệnh sởi, rubella... Những người lớn bị bệnh có thể lây nhiễm cho trẻ nhỏ và những người xung quanh.
Biểu hiện đặc trưng sốt phát ban ở người lớn
Người lớn từ lúc bị nhiễm virus đến khi có triệu chứng thường trải qua thời gian ủ bệnh từ 1 - 2 tuần. Các biểu hiện xuất hiện đột ngột và thường có xu hướng kéo dài nếu không được điều trị phù hợp.
Sốt cao
Những cơn sốt ở người lớn thường xuất hiện nhanh, nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột lên trên 39 độ C. Đi kèm với đó còn có một số biểu hiện khác như sổ mũi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, viêm kết mạc...
Phát ban
Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh lý này với các nốt ban đỏ có màu hồng nhạt, phẳng hoặc nổi cộm nhẹ trên da. Càng về những ngày sau những ban này trở nên đậm màu hơn và nổi rõ trên bề mặt da.
Những nốt ban này không lên theo chu kỳ hay khu trú ở một vị trí cụ thể nào mà sẽ xuất hiện trên toàn thân. Nếu bị nhẹ, các nốt ban này chỉ tồn tại khoảng 1 ngày. Còn trường hợp bệnh nặng, đề kháng yếu, các ban đỏ sẽ đậm và tồn tại lâu ngày hơn.
Nổi hạch
Hệ miễn dịch của người lớn khỏe mạnh nên dễ tạo ra phản ứng viêm với tác nhân gây bệnh, dẫn đến hiện tượng nổi hạch, sưng ở quai hàm, cổ. Dấu hiệu này khá dễ nhận biết vì nốt hạch có thể cảm nhận khi chạm tay kèm cảm giác đau.
Các triệu chứng khác
Ngoài 3 triệu chứng điển hình ở trên, khi người lớn mắc bệnh sốt phát ban còn có thể bị tiêu chảy nhẹ, viêm họng, ho, chán ăn, mệt mỏi... Trường hợp nặng, sốt cao trong thời gian dài có thể gây ra co giật hay ngất xỉu.

Sốt phát ban đặc trưng bởi các nốt phát ban đỏ trên da kèm sốt.
Việc điều trị sốt phát ban ở người lớn chủ yếu là sử dụng thuốc để giảm các triệu chứng. Kèm với đó là bổ sung vi chất giúp tăng sức đề kháng. Một số biện pháp thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị sốt phát ban ở người lớn tại nhà:
- Hạ sốt bằng cách lau mát cơ thể, chườm ấm hoặc sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định.
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể, tránh để không bị nhiễm lạnh, nhất là trong giai đoạn bị nổi ban vì dễ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
- Nghỉ ngơi tại nhà, tránh nơi đông người để hạn chế lây bệnh.
- Bổ sung các loại rau xanh để bổ sung vitamin, tăng đề kháng, giúp cơ thể mau chóng hồi phục.
- Uống đủ nước; chú ý bù nước, điện giải nếu người bệnh bị tiêu chảy mất nước, nhất là trong giai đoạn đang bị sốt.
- Lựa chọn quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt để giúp ích cho quá trình hạ nhiệt.
- Sử dụng các loại thuốc được bác sĩ tư vấn như hạ sốt, giảm đau, chống viêm...
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, co giật, cần sớm đưa vào bệnh viện để kịp thời chữa trị.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vaccine. Với các nguyên nhân khác chưa có vaccine thì nên hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tăng sức đề kháng của bản thân bằng lối sống lành mạnh, bổ sung đủ dưỡng chất trong chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn. Một nền tảng sức khỏe tốt sẽ giúp tránh xa căn bệnh này.