Da sần sùi khi thiếu vitamin C
Vitamin C là một thành phần quan trọng trong quá trình tổng hợp và sản xuất collagen. Hơn nữa vitamin C còn giúp việc hấp thụ và kết dính các sợi collagen lại với nhau bền vững hơn. Collagen là một loại protein có nhiều trong các mô liên kết như tóc, da, khớp, xương và mạch máu. Do đó vitamin C chính là một vi chất gián tiếp có tác dụng giúp làm da mịn màng, chống lão hóa.
Khi mức vitamin C trong cơ thể thấp hơn bình thường, ngoài việc khiến da khô nẻ, móng và tóc dễ bị khô xơ còn khiến tình trạng dày sừng nang lông phát triển. Khi bị dày sừng nang lông, da sẽ trở nên sần sùi do tích tụ keratin bên trong lỗ chân lông.
Tình trạng dày sừng nang lông liên quan đến quá trình mọc lông. Các sợi lông có thể bị bít tắc khó trồi lên dẫn đến viêm nang lông. Hoặc hình dáng sợi lông mọc lên ở dạng uốn cong hoặc cuộn lại.
Uống bổ sung vitamin C có thể điều trị triệu chứng này trong vòng hai tuần.
Tình trạng dày sừng nang lông, viêm nang lông… xảy ra do thiếu vitamin C là một quá trình từ từ, sau vài tháng cơ thể liên tục không được bổ sung đầy đủ vitamin C. Nhưng các tình huống này cũng có nhiều nguyên nhân khác gây ra, do đó nếu gặp tình trạng này thì nên đi khám da liễu để biết được nguyên nhân và điều trị. Nếu là do thiếu vitamin C thì chỉ cần bổ sung đủ trong một thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng tình trạng này sẽ hết.
Da khô nhăn và dễ bị tổn thương khi thiếu vitamin C
Vitamin C - chất chống oxy hóa, giúp làn da khỏe mạnh bằng cách bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, các chất ô nhiễm từ môi trường như khói thuốc lá, khói bụi… Vitamin C thúc đẩy sản xuất collagen, do đó giữ cho làn da đầy đặn và trẻ trung.
Khi cơ thể thiếu hụt vitamin C có thể làm tăng tình trạng da khô và nhăn cả ở người bình thường và người có sẵn các bệnh lý ngoài da như viêm da cơ địa…
Ngoài tác dụng thúc đẩy sản xuất collagen giúp quá trình tái tạo và sửa chữa các tổn thương da tốt hơn thì vitamin C còn giúp bạch cầu trung tính hoạt động tốt. Hơn nữa, nó còn giúp các mạch máu khỏe mạnh và quá trình đông máu tốt hơn. Vì vậy khi cơ thể thiếu vitamin C không chỉ các vết thương ngoài da chậm lành mà các triệu chứng khác như da dễ bị bầm tím, dễ chảy máu, máu khó đông hơn…
Móng tay giòn, dễ gãy
Vitamin C đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Hơn nữa, trong thành phần của móng tay, móng chân thì collagen là một protein rất quan trọng cấu tạo nên. Do đó khi thiếu vitamin C khiến cơ thể thiếu máu do thiếu sắt và quá trình tổng hợp collagen bị hạn chế dẫn đến móng phát triển chậm hơn thông thường.
Móng tay, móng chân khi thiếu vitamin C sẽ có dạng hình thìa, lõm vào trên bề mặt móng. Móng thường mỏng, giòn và dễ gãy.
Cách bổ sung vitamin C mỗi ngày
Vitamin C là một vi chất rất quan trọng nhưng cơ thể không tự sản xuất được. Hơn nữa, là một vitamin tan trong nước, nên nó rất dễ bị đào thải qua đường tiểu. Do đó việc bổ sung vitamin C phải thông qua thực phẩm mỗi ngày.
Vitamin C được cơ thể hấp thụ chủ yếu tại ruột non, khoảng 90mg đối với nam giới và 75mg đối với nữ giới.
Với người thường xuyên hút thuốc được khuyến nghị tăng 35mg mỗi ngày. Do thuốc lá làm giảm sự hấp thụ vitamin C của cơ thể.
Đối với phụ nữ mang thai thì nhu cầu sử dụng vitamin C cũng cao hơn mức khuyến nghị trên. Người càng cao tuổi nhu cầu cung cấp vitamin C càng tăng.
Cách bổ sung vitamin C tốt nhất là qua đường thực phẩm. Do đó, trong chế độ ăn hằng ngày cần tăng cường những thực phẩm giàu vitamin C vào bữa ăn. Rất đa dạng các nhóm rau củ quả giàu vitamin C như: Măng tây, bông cải xanh, cà chua, cần tây, dứa, táo, ổi, cam, quýt, bưởi...
Vitamin C cũng có trong các loại thực phẩm chức năng, thuốc dạng viên nén, viên nang, dạng viên sủi, dạng lỏng… Tuy nhiên, chỉ bổ sung ở dạng này khi cơ thể gặp phải vấn đề hấp thu vitamin C hoặc chế độ dinh dưỡng không thể cung cấp đủ.
Mặc dù nhanh chóng được đào thải qua bài tiết, nhưng nếu cơ thể nạp quá nhiều vitamin C trong một thời gian cũng gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể như làm tăng nguy cơ đau dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận... Do đó không nên lạm dụng các thực phẩm chức năng và thuốc để cung cấp vitamin C.
Mời độc giả xem thêm video:
7 lợi ích của vitamin C.