Hỏi: Nghe nói khi gắng sức bị khó thở là đã bị suy tim? Những người suy tim nên có chế độ ăn thật lạt phải không? Khi nào thì phải nằm viện điều trị?
(Lê Ngọc Sương - Ninh Thuận)
Trả lời: Một số dấu hiệu sau đây buộc bệnh nhân phải đi khám ở chuyên khoa tim mạch vì có thể bị suy tim. Đầu tiên là khó thở vì gắng sức: leo lên cầu thang hay chạy đòi hỏi quả tim phải gắng sức thêm. Máu phải được bơm gấp 4 lần hơn lúc bình thường. Thế mà quả tim không còn khả năng đảm nhận vai trò của mình nữa. Khó thở vào ban đêm: ở tư thế nằm dài làm cho dịch tích tụ ở phổi. Trường hợp nghiêm trọng những vấn đề hô hấp có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
Mệt bất thường: mô của cơ quan không còn được cung cấp máu và oxy đầy đủ, từ đó làm cho thể chất và tinh thần mệt mỏi suốt cả ngày. Phù dưới mắt cá chân: dịch trong cơ thể không còn được thận thải ra hoàn toàn và phần lớn tích tụ ở vùng thấp chân. Nhịp tim đập nhanh thường xuyên: quả tim buộc phải đập nhanh hơn để đảm bảo cho máu lưu thông.
Như đã nêu, nếu gặp một trong các dấu hiệu trên thì không được chần chừ, phải đi khám ở bác sĩ chuyên khoa tim để được siêu âm tim. Lợi thế là được chẩn đoán chứng suy tim thật sớm nhằm tránh tai biến khi mà bệnh được phát hiện trong giai đoạn phù phổi cấp. Điều cần thiết là nhập viện khẩn cấp.
Đối với người được chẩn đoán bị suy tim thì ngoài thuốc men, chế độ ăn uống rất quan trọng. Trong đó việc cần thiết là giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn. Ăn mặn quá dễ bị phù thủng. Tốt nhất là nên giới hạn lượng muối từ 4 - 6g mỗi ngày (so với 12g như người bình thường), nên tránh dùng thức ăn đóng hộp, thịt nguội chế biến sẵn, các loại nước sốt sản xuất theo công nghiệp… Về các loại nước khoáng có gaz: phải đọc kỹ thông tin được ghi trên nhãn chai. Chỉ nên sử dụng loại nước khoáng có chứa dưới 100mg Sodium trong 1 lít. Làm dấu trên lọ muối thường và ngay cả đối với muối có trộn potassium (kali), ăn vào sẽ mang đến rất nhiều hậu quả tai hại.
Bs. Vũ Thư