Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn có thể rất nghiêm trọng với biểu hiện là nhịp thở bị ngừng nhiều lần trong giấc ngủ. Nếu người thân của bạn nói rằng khi ngủ bạn thường ngáy to; mỗi sáng ngủ dậy, bạn thấy nhức đầu; ban ngày, bạn luôn luôn buồn ngủ, như thế có thể bạn bị chứng ngừng thở khi ngủ.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Hai dạng ngừng thở khi ngủ
Ngừng thở khi ngủ do thần kinh trung ương ít gặp, xảy ra khi não không truyền được tín hiệu đến các cơ hô hấp. Bạn thường tỉnh giấc đột ngột do tăng nồng độ carbon dioxid trong máu và kèm theo giảm nồng độ oxy. Bạn có thể thức dậy với cảm giác khó thở. Khi bị ngừng thở thì nồng độ carbon dioxid trong máu tăng, kích thích lên não khiến bạn tỉnh dậy và thở trở lại. Vì thế, người bị ngừng thở khi ngủ do thần kinh trung ương dễ nhớ lại được những lần tỉnh giấc hơn những người ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Ngừng thở khi ngủ do cơ thành sau họng bị giãn, vòm miệng mềm, lưỡi gà, amiđan và lưỡi tụt xuống gây tắc nghẽn đường thở. |
Dấu hiệu nhận biết
Muốn biết bản thân có bị chứng ngừng thở khi ngủ hay không, bạn cần dựa vào các dấu hiệu sau đây: bạn buồn ngủ nhiều vào ban ngày; người thân nói cho bạn biết là khi ngủ bạn thường ngáy to, tuy nhiên, cũng có người không ngáy mà vẫn bị ngừng thở khi ngủ; bạn tự cảm nhận được có những cơn ngừng thở trong khi ngủ; khi thức dậy, bạn thường thấy bị khô miệng và đau họng; buổi sáng khi ngủ dậy, bạn thấy đau đầu.
Ngừng thở khi ngủ làm giảm đột ngột nồng độ oxy trong máu, thường gây tăng huyết áp và rối loạn tim mạch. Người mắc chứng ngừng thở khi ngủ thường bị giảm trí nhớ, có cảm giác trầm uất, hay mắc chứng tiểu đêm và liệt dương. Trẻ mắc chứng bệnh này không được điều trị có thể rất hiếu động. Các nhà khoa học đã phát hiện một gen có liên quan đến bệnh Alzheimer cũng liên quan chặt chẽ với chứng ngừng thở khi ngủ. Trong một xét nghiệm gọi là đa miên đồ, bạn được theo dõi hoạt động của tim, phổi, não, các kiểu hô hấp, cử động chân tay, đo nồng độ oxy trong máu.
Viêm amiđan sưng to dễ tắc đường hô hấp gây ngừng thở khi ngủ. |
Làm gì khi mắc chứng ngừng thở khi ngủ?
Bạn hãy đi khám bệnh nếu bạn thấy các dấu hiệu: ngáy to đến mức làm mất giấc ngủ của người khác; phát hiện thấy thỉnh thoảng bạn bị ngừng thở trong khi ngủ; buồn ngủ nhiều vào ban ngày khiến bạn ngủ gật trong khi đang làm việc và nguy hiểm nhất là khi đang lái xe. Bác sĩ khám có thể cho bạn điều trị rối loạn giấc ngủ, được theo dõi nhịp thở suốt đêm và các chức năng khác của cơ thể trong giấc ngủ. Bạn cũng có thể được sử dụng các dụng cụ giúp mở đường hô hấp bị tắc nghẽn hoặc phẫu thuật chỉnh hình vùng hầu họng, cắt amiđan to hoặc nạo VA, phẫu thuật hàm dưới để đưa hàm dưới và lưỡi ra trước, mở khí quản nếu các biện pháp điều trị khác thất bại, bị ngừng thở khi ngủ nghiêm trọng đe dọa tính mạng.
Ai dễ bị ngừng thở khi ngủ? Ngừng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già ở cả nam và nữ. Tuy nhiên những đối tượng sau đây dễ bị ngừng thở khi ngủ hơn: người béo phì, nhất là béo quanh cổ thường làm hẹp đường hô hấp ở họng. Bệnh nhân bị viêm amiđan gây sưng to dễ tắc đường hô hấp. Những người cổ họng hẹp tự nhiên do di truyền. Nam dễ bị chứng ngừng thở khi ngủ hơn nữ. Ðộ tuổi từ 40 trở lên cả nam lẫn nữ đều dễ bị ngừng thở khi ngủ. Trong gia đình có cha mẹ bị chứng ngừng thở khi ngủ thì con cũng dễ bị bệnh này. Người uống rượu, uống thuốc giảm đau, thuốc an thần gây giãn cơ vùng họng cũng dễ mắc chứng này. |
BS. Ninh Thanh Tùng