Hà Nội

Dấu hiệu cơ thể đang bị thiếu nước cần biết

04-02-2025 06:00 | Phòng mạch online

SKĐS - Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Nước làm nhiệm vụ hoà tan các chất dinh dưỡng, giúp điều hòa nhiệt độ, chất bôi trơn cho các chuyển động của các bộ phận khác trong cơ thể.

Chính vì thế, cơ thể bị thiếu nước sẽ nguy hại tới sức khỏe. Vậy làm thế nào để việc uống nước mỗi ngày trở nên hiệu quả nhất?

Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang bị thiếu nước

Để nhận biết được cơ thể có đang bị thiếu nước hay không, bạn có thể căn cứ vào một số dấu hiệu dưới đây, cụ thể là:

  • Đi tiểu ít: Thông thường, một người khỏe mạnh sẽ đi tiểu khoảng 6 – 7 lần/ngày. Nếu bạn đi tiểu dưới 2-3 lần/ngày hoặc không buồn tiểu trong nhiều giờ liền thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu nước.
  • Da khô: Da khô ngay cả khi bạn dùng các loại kem dưỡng ẩm cũng là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang uống thiếu nước.
  • Đau nhức đầu: Nếu bạn cảm thấy đau đầu nhiều hơn với mọi tư thế chuyển động, ví dụ như khi bạn cúi gập người, đi lên đi xuống cầu thang hoặc vận động mạnh,… thì cơ thể bạn có thể đang không đủ nước.
  • Khô họng: Ít nước bọt, khô miệng, họng cũng là dấu hiệu của việc thiếu nước.
  • Nước tiểu có màu vàng sậm, đục, nâu sẫm,…
  • Thiếu nước có thể khiến bạn mất vị giác, ăn uống không ngon miệng.
  • Hoa mắt, ù tai, choáng do máu lưu thông kém vì thiếu nước.

Dấu hiệu cơ thể đang bị thiếu nước cần biết- Ảnh 1.
Da khô cũng là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang uống thiếu nước.

Hệ lụy khi cơ thể thiếu nước

  • Thiếu nước ở mức độ nhẹ: Cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, táo bón, thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt, tăng sự lo lắng, chuột rút, đau khớp, mắt trũng, da nhăn nheo.
  • Thiếu nước ở mức độ nặng: sốt, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, mê sảng, bất tỉnh,..

Những tác hại khác khi cơ thể thiếu nước:

  • Trao đổi chất chậm lại: Một nghiên cứu tìm thấy rằng nếu uống đủ nước sẽ làm tăng tỷ lệ trao đổi chất lên 30%, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
  • Tăng cảm giác đói: Khi bạn mất nước, cơ thể sẽ lẫn lộn với cảm giác no - đói khiến bạn ăn khi không cần đến.
  • Giảm khả năng điều hòa thân nhiệt cơ thể: Khi thiếu nước cơ thể sẽ tăng khả năng giữ nhiệt và giảm khả năng thích nghi của cơ thể với môi trường có nhiệt độ quá cao.
  • Vấn đề tiêu hóa: Cơ thể thiếu nước gây tình trạng táo bón.
  • Mệt mỏi và tăng đường huyết: Cơ thể bạn cần nước để pha loãng hay tiêu hóa đường. Nếu bạn bị tiểu đường kèm theo cơ thể thiếu nước thì sẽ đặc biệt nguy hiểm.

Uống nước đúng cách mỗi ngày nâng cao sức khỏe

Không nên uống nước lạnh quá hay nóng quá, thường uống nước ấm là tốt nhất. Nước lạnh quá có thể khiến bạn gặp các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, bị chuột rút, thậm chí tiêu chảy, nước nóng quá có thể khiến bạn bị tổn thương niêm mạc thực quản...

Các loại nước nên uống

  • Nước đã đun sôi để nguội hoặc tiệt trùng; Có thể sử dụng các loại trà thảo dược, thanh nhiệt như: trà actiso, trà râu ngô, trà giảo cổ lam , trà hoa cúc, trà xanh... có tác dụng bài trừ độc tố, thanh lọc và cung cấp các vitamin cho cơ thể bạn.
  • Có thể là nước ép của các loại trái cây nhiều nước, có vị mát như: dưa hấu, cà chua, cà rốt hay nước ép các loại rau như rau má, lô hội,… nếu sử dụng đều đặn sẽ cho bạn một làn da trắng hồng, mềm mại.

Các loại nước nên hạn chế uống

Nên hạn chế uống nước ép hoa quả đóng hộp bởi vì sẽ gây khó tiêu, hại thận, ăn mòn men răng, béo phì và lượng đường trong nó sẽ hấp thụ nước trong cơ thể khiến bạn càng uống càng thấy khát.

Nước ngọt có gas. Các loại uống này dù ngon miệng và có cảm giác giải khát nhưng thực chất nó chứa thành phần axit rất cao nên gây hại cho dạ dày của bạn, ảnh hưởng không tốt đến men răng, làm tăng thân nhiệt cơ thể và làm bạn béo phì.

Dấu hiệu cơ thể đang bị thiếu nước cần biết- Ảnh 2.

Cần uống đủ nước hàng ngày để đảm bảo sức khoẻ.

Trà, cà phê. Chất cafein có trong đó tăng bài tiết canxi trong cơ thể gây mất nước và làm bạn có nguy cơ bị sỏi thận.

Nước uống chứa cồn. Gây mất nước cơ thể khá mạnh, làm tăng thân nhiệt và chứa các chất hại máu.

Nước uống tăng lực. Loại nước này khiến bạn có cảm giác bồn chồn, tăng huyết áp, mất nước, gây hại cho dạ dày.

Tóm lại: Nước rất quan trọng đối với cơ thể, tùy theo thể trạng sức khỏe, tình hình hoạt động mà mỗi người cần uống đủ một lượng nước khác nhau, thông thường là 8 cốc nước (tương đương 2 lít nước) nhưng tùy từng người, mức độ lao động, các hoạt động thể thao mà cần có sự điều chỉnh cho phù hợp từng ngày để đảm bảo lượng nước vào cơ thể vừa đủ không quá nhiều mà không quá ít.


9 ảnh hưởng xấu khi cơ thể thiếu nước9 ảnh hưởng xấu khi cơ thể thiếu nước

SKĐS - Nước rất quan trọng để có sức khỏe tốt và thực sự nước giúp ích cho nhiều chức phận trong cơ thể. Cơ thể cần nước để duy trì mức độ hydrat hóa, cung cấp nhiên liệu cho tế bào, giữ cho não và cơ thể hoạt động.

BS Nguyễn Thị Nguyệt
Ý kiến của bạn