Viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Theo thống kê, hiện nay toàn cầu có hơn 300 triệu người mắc viêm gan B, con số này không ngừng tăng lên từ 3 đến 4 triệu người mỗi năm.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ước tính 8-10% dân số, nghĩa là có 8 đến 10 triệu người dân mang trong mình căn bệnh này.
1. Những con đường lây nhiễm viêm gan B
Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể, virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng, nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và nhiễm virus HBV suốt đời.
Có 3 con đường lây truyền viêm gan B gồm:
• Truyền từ mẹ sang con:
Đây là con đường lây chủ yếu HBV ở Việt Nam. Khi thai phụ bị nhiễm virus Viêm gan B thì tỉ lệ lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi là rất cao, tăng dần từ lúc mang thai cho đến khi sinh.
Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời.
Khoảng 50% số trẻ này có thể bị Viêm gan B mãn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
• Lây truyền qua đường tình dục:
Virus HBV có trong tinh dịch của nam giới hoặc trong dịch tiết âm đạo của nữ giới có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục. Chính vì vậy không nên quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng các dụng cụ tình dục không được vệ sinh sạch sẽ.
• Lây truyền qua đường máu:
Các sự cố y khoa như truyền máu có chứa virus viêm gan B, sử dụng các dụng cụ y tế không được vệ sinh, tiệt trùng, có chứa virus gây bệnh: chung bơm kim tiêm, các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,... dịch vụ thẩm mỹ, làm nail, xăm hình....
2. Những biểu hiện của bệnh viêm gan B
Viêm gan B thường ít có những biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu khiến cho người bệnh chủ quan và bỏ qua. Các triệu chứng viêm gan B xuất hiện rõ rệt khi bệnh đã tiến triển được qua một thời gian dài. Khoảng 30- 50% người bệnh Viêm gan B có các triệu chứng biểu hiện như sau:
• Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
• Đau nhức xương khớp.
• Thường xuyên buồn nôn, nôn.
• Nước tiểu có màu vàng sẫm.
• Đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải.
• Rối loạn tiêu hóa.
• Vàng da, vàng mắt.
• Có hiện tượng xuất huyết, bầm tím dưới da.
• Bụng cổ chướng hoặc phù nhẹ mắt cá chân (xơ gan).
Bệnh thường có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính hoặc mạn tính. Để kiểm tra có bị nhiễm virus viêm gan B hay không cần phải thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm máu (men gan, billirubin, chức năng đông máu, siêu âm và các dấu ấn (markers) của virus viêm gan cần thiết để có đủ dữ liệu chẩn đoán.
3. Tác hại và biến chứng của viêm gan B
- Suy gan: Hoạt động của tế bào gan bị phá hủy từ trong tế bào, dẫn đến tổn thương gan. Khi này, các chức năng của gan như bài tiết mật, thải độc, chuyển hóa chất,... đều bị suy giảm. Trường hợp nặng có thể đi vào hôn mê và tử vong.
- Biến chứng xơ gan: Viêm gan B nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan trong vòng 20 năm hoặc có thể sớm hơn.
- Biến chứng ung thư gan: Virus Viêm gan B làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính trong suốt thời gian diễn biến viêm gan cho đến xơ gan. Biến chứng ung thư thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan.
4. Điều trị viêm gan B
Hiện nay trên thị trường có nhiều nhóm thuốc kháng virus có mặt trên thị trường có tác dụng diệt virus và ức chế lâu dài virus viêm gan B.
Điều trị viêm gan B là điều trị lâu dài, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tự ý ngừng thuốc đột ngột để tránh hiện tượng virus kháng thuốc và bùng phát virus dẫn đến suy gan.
5. Phòng bệnh viêm gan B
Phòng bệnh chủ động: Theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế, tiêm vaccine phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và nên tiêm càng sớm càng tốt.
- Cần tiêm cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Nếu nồng độ kháng thể trong máu thấp (< 10 đơn vị quốc tế/ml) cần tiêm đủ 3 mũi, trong 3 tháng, sau đó nhắc lại).
- Phụ nữ trước và sau khi có thai cần được khám sàng lọc và kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan B hay không để điều trị kịp thời tránh lây sang cho con.
Ngoài ra, phòng bệnh cần tuân thủ đúng quy trình thực hành chuẩn trong các cơ sở y tế (sử dụng bơm kim riêng hoặc khử khuẩn các dụng cụ nội soi, thăm dò,…); Quan hệ tình dục thủy chung, an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus viêm gan B.
Nên đi khám sức khỏe định kỳ để chắc chắn không bị nhiễm bệnh để đi tiêm phòng, những người bị viêm gan B mạn tính cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa và được cấp thuốc theo hệ thống bảo hiểm y tế.
Nên tránh uống rượu bia, khi dùng bất cứ thuốc gì cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để hạn chế tổn thương thêm cho gan.