Phạm Thị Liên (Phamlien9333@yahoo.com)
Bình thường người lớn đi đại tiện ngày 1 lần, phân thành khuôn mềm và không lỏng không táo. Nếu đi ngày 2-3 lần phân sống, mót rặn là không bình thường, đó là những dấu hiệu của các bệnh lý đường tiêu hóa như: hội chứng ruột kích thích, hay còn gọi là bệnh đại tràng chức năng (bệnh đại tràng cơ năng).
Đây là bệnh không có tổn thương tại ruột, thường do thay đổi thói quen ăn uống, sau ăn đồ lạ, sau dùng một số thuốc bệnh nhân đi ngoài phân không thành khuôn, có thể nát hoặc sền sệt, hoặc táo bón; rối loạn vi khuẩn đường ruột: mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến giảm hấp thu, tăng nhu động ruột gây đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, nát hoặc sống phân; viêm đại tràng mạn tính: số lần đi ngoài hơn 1 lần/ngày, thường vào lúc sáng sớm hoặc sau ăn đồ sống lạnh, sau dùng các chất kích thích. Tính chất phân thay đổi như lỏng, sền sệt, không thành khuôn, thậm chí phân táo, hoặc lúc đầu táo sau phân nát, phân sống. Có thể đau bụng, trướng hơi, đi ngoài không hết lại muốn đi tiếp,...
Trường hợp đặc biệt, rối loạn đại tiện kèm theo các triệu chứng như sốt, nôn, đi ngoài ra máu... có thể là biểu hiện của các bệnh cấp tính như: tiêu chảy cấp, bệnh lỵ, trĩ, xuất huyết dạ dày, polyp đại tràng, ung thư đại tràng. Trường hợp này, người bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị phù hợp. Nói chung, một khi đã có thay đổi về đại tiện sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu phát hiện muộn hoặc ở giai đoạn mạn tính dẫn đến quá trình điều trị khó khăn và lâu dài. Vì vậy, bạn nên sớm đi khám tìm nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ kê đơn điều trị hiệu quả.