1. Nguyên nhân gan bị tổn thương
Gan có chức năng chính là giải độc và làm sạch bên trong cơ thể. Nếu vì một lý do nào đó như uống quá nhiều rượu bia trong một thời gian dài, lạm dụng thuốc, chế độ ăn không khoa học… khiến gan nhiễm độc lâu dần sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác, và có thể dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan...
Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương gan như: Rượu, bia, do thuốc, hóa chất…đặc biệt các trường hợp ngộ độc cấp do thuốc, hóa chất…; Những người nhiễm virus viêm gan B, virus viêm C khiến gan tổn thương và là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, các bệnh mạn tính như: lao, lupud ban đỏ, ung thư… cũng khiến gan tổn thương.
2. Biểu hiện gan bị tổn thương
Tổn thương gan thường diễn biến âm thầm, triệu chứng bệnh không rõ ràng, mơ hồ và dễ nhầm với các bệnh lý khác. Các triệu chứng bệnh thường gặp trong giai đoạn cấp tính có thể bao gồm: ăn không ngon, mất cảm giác thèm ăn. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên khi gan bị tổn thương. Bởi vì bất kì tổn thương nào ở gan đều dẫn đến ứ đọng chất độc trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến cảm giác ăn uống. Tệ hơn, nó còn ức chế sự hấp thu vitamin và khoáng chất, khiến cơ thể ốm yếu và suy nhược.
Hơi thở "có mùi" cũng có thể là một dấu hiệu của tổn thương gan. Vì nếu gan không hoạt động tốt thì miệng thường có mùi. Tình trạng này là do cơ thể sản sinh quá nhiều ammonia.
Hơi thở "có mùi" cũng có thể là một dấu hiệu của tổn thương gan.
Chức năng gan bị tổn thương có thể liên quan với tổn thương da và mệt mỏi ở mắt. Da dưới mắt cũng phản ánh tình trạng sức khỏe của con người. Nếu thấy rất khó để khỏi quầng thâm mắt và mỏi mắt thì cũng có thể là một dấu hiệu của tổn thương gan.
Nếu gan tổn thương có thể gây ngứa ngáy dữ dội. Nhất là những người uống nhiều bia rượu, chế độ ăn không khoa học, lạm dụng thuốc,… trong khi không hề bị dị ứng hay có vấn đề về da… thì rất có thể là dấu hiệu của một lá gan không khỏe mạnh.
Một biểu hiện nặng hơn của tổn thương gan là vùng da ở mắt có màu vàng. Điều này cho thấy gan bị suy giảm chức năng khiến Bilirubin, hay còn gọi là sắc tố mật bị tích tụ trong cơ thể dẫn đến biểu hiện vàng da.
3. Khi nào cần khám?
Người bệnh cần khám ngay khi có các biểu hiện của rối loạn chức năng gan bao gồm: Người mệt mỏi, sụt cân, biểu hiện vàng da, phân và nước tiểu sậm màu, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng...
Nếu thấy có các triệu chứng trên, bác sĩ có thể khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan.
4. Cần làm gì để bảo vệ gan?
Nhiều người cho rằng khi thấy có biểu hiện gan quá tải, nhiễm độc cần phải áp dụng các biện pháp thải độc gan cấp tốc hay detox bằng các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế giải độc gan là quá trình tự nhiên, nhiệm vụ của cơ thể chứ không phải detox bằng bất kỳ phương thức nào.
Muốn hoạt động tốt thì cơ thể phải thải độc, nghỉ ngơi tốt. Điều quan trọng là chúng ta phải can thiệp thế nào để gan vừa hoạt động tốt, mà vừa nghỉ ngơi, thải độc hiệu quả. Để bảo vệ sức khỏe, gan hoạt động hồi phục tốt thì việc cần làm là không để gan phải chịu nhiều áp lực bởi các yếu tố bên ngoài.
Thông thường, gan có có 2 chức năng quan trọng đó là chuyển hóa và đào thải độc chất. Nếu chúng ta nạp vào quá nhiều thức ăn, nước uống độc hại hoặc lẫn lộn các chất thì gan phải sàng lọc, làm việc nhiều hơn dẫn đến quá tải. Ví dụ một ngày làm việc 8 tiếng sẽ là tiền đề để cơ thể phát triển hoàn chỉnh, khỏe mạnh, nhưng ngược lại nếu làm việc quá sức, kéo dài thời gian này lên 12 tiếng, thậm chí 18 tiếng thì chắc chắn gan sẽ suy yếu nhanh. Vì vậy, đầu tiên là phải ăn uống khoa học, nạp thực phẩm lành mạnh, không lạm dụng rượu bia để cho gan làm việc vừa phải, không quá sức.
Không được đưa quá nhiều chất độc vào cơ thể, nếu nạp càng nhiều chất dư thừa, chất độc như rượu bia, sử dụng các chất giải độc cơ thể, bổ sung năng lượng dưới nhiều hình thức khác nhau, không rõ nguồn gốc hoặc áp dụng các bài thuốc truyền miệng… thì gan càng phải hoạt động liên tục để bảo vệ lá gan, cơ thể.
Trên thực tế nếu áp dụng các phương pháp thải độc, detox theo kinh nghiệm nếu không đúng thì không những không giải độc mà còn gom độc về cho cơ thể. Vì vậy, việc dùng thuốc, áp dụng các biện pháp thải độc cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Ngoài ra, để bảo vệ gan cần tăng cường sức đề kháng cơ thể, cụ thể cần có một chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, cân đối các thành phần như: đạm, đường, béo, vitammin và khoáng chất. Việc tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng để cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa từ thực phẩm, hoạt động thường ngày, từ đó giúp gan đào thải, nghỉ ngơi tốt hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
5 Thói Quen Có Hại Cho Sức Khỏe Trong Ngày Nghỉ Tết Và Cách Phòng Tránh | SKĐS