Bình thường, amidan có chức năng sinh kháng thể tham gia vào hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể, hoạt động mạnh ở trẻ em và sẽ giảm dần ở độ tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, khi viêm đi viêm lại nhiều lần và điều trị không triệt để, amidan lại trở thành ổ nhiễm khuẩn gây bệnh cho cơ thể và dễ dẫn đến các biến chứng, khiến cho người bệnh khó chịu.
Không phải cứ bị viêm amidan là phải cắt bỏ. Vậy đối tượng nào nên chỉ định cắt, dấu hiệu bệnh như nào cần được phẫu thuật?
1. Viêm amidan khi nào cần đến khám bác sĩ?
Thông thường, viêm amidan lành tính, có thể tự khỏi. Nhưng khi thấy bệnh nặng hơn, có các dấu hiệu dưới đây thì bạn đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm:
- Người bệnh sốt cao, toàn thân mệt mỏi, đau nhức, nổi hạch ở góc hàm.
- Ho nhiều, khàn tiếng, miệng có mùi hôi.
- Đau họng đến mức khó nuốt, không ăn được.
- Cổ họng khô rát, ho có đờm đặc. Tự soi gương khi há miệng thấy các hốc họng chỗ amidan sưng đỏ, có rãnh chứa mủ, có lốm đốm màu trắng.
Dấu hiệu cho thấy cần cắt bỏ amidan
Viêm amidan có thể là viêm cấp, viêm amidan cấp tái hồi, viêm amidan mạn, viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan. Khi có các dấu hiệu dưới đây, bạn sẽ được bác sĩ khuyên nên cắt bỏ:
- Viêm và tái viêm nhiều lần trong năm và tái đi tái lại nhiều năm liên tiếp.
- Cảm thấy nuốt khó, phát âm khó.
- Khi ngủ ngáy to, có cơn ngừng thở khi ngủ.
- Áp xe quanh amidan.
- Amidan có nhiều hốc chứa tổ chức bã đậu gây hôi miệng.
2. Những điều nên và không nên làm sau phẫu thuật cắt amidan
Sau khi cắt amidan, bệnh nhân thường quan tâm đến cần kiêng gì và nên có chế độ chăm sóc như thế nào. Dưới đây là những việc nên và không nên làm.
- Nên thực hiện
- Nghỉ ngơi, hạn chế tập thể dục, lao động nặng trong vòng 7 ngày.
- Thức ăn mềm và loãng như súp, cháo, sinh tố… là sự lựa chọn thích hợp. Cần để nguội hơn bình thường để dễ nuốt, hạn chế chảy máu.
- Chọn trái cây và rau xanh chứa nhiều vitamin và muối khoáng. Thức ăn giàu chất đạm và kẽm như cá hồi, gan động vật, các loại hạt…
- Uống nhiều nước các loại.
- Cần kiêng gì?
- Tránh ăn đồ ăn cứng, khó nuốt, khó tiêu.
- Không nên ăn thực phẩm quá lạnh, quá nóng để tránh kích thích niêm mạc amidan.
- Các loại thực phẩm chua cay, dễ lên men vì có thể gây nóng rát ở cổ họng, nhất là chỗ amidan mới cắt, do đó có thể gây ra cảm giác đau và khó chịu.
- Tránh đồ ăn dầu mỡ vì có thể tích tụ lại ở vòm họng sau khi ăn gây ra nhiễm trùng hoặc viêm tại vị trí phẫu thuật
- Kiêng rượu bia, thuốc lá, các đồ uống chứa chất kích thích, nước uống có gas vì ảnh hưởng đến việc cầm máu, giảm hiệu quả các thuốc đang dùng điều trị.
Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường có chứa thành phần Paracetamol hoặc Ibuprofen với liều phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Chảy máu sau mổ cũng là hiện tượng có thể gặp ở bệnh nhân sau cắt amidan, nếu chảy máu nhiều, bất thường thì phải liên hệ với bác sĩ phẫu thuật hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn xử trí.
Xem thêm video được quan tâm
Cảnh báo virus thay đổi bất thường hậu Covid-19 | SKĐS