Dấu hiệu chỉ điểm nguy cơ mắc giang mai ác tính, bệnh hiếm gặp nhưng mới đây Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp

22-05-2023 09:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Giang mai ác tính rất hiếm gặp, thậm chí trên thế giới, trong vòng 88 năm ghi nhận 14 ca bệnh. Theo báo cáo khoa học mới đây tại Hội nghị khoa học thường niên Liên chi hội Da liễu TP. Hồ Chí Minh, đã ghi nhận 2 trường hợp mắc giang mai ác tính.

1. Hai bệnh nhân trẻ mắc giang mai ác tính hiếm gặp

Trong báo cáo của BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thơ - Phó trưởng khoa lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận hai bệnh nhân còn trẻ, một bệnh nhân 19 tuổi và một bệnh nhân 27 tuổi mắc giang mai ác tính. Cả 2 bệnh nhân đều nhiễm HIV và có quan hệ tình dục đồng giới.

Bệnh nhân 19 tuổi trên da xuất hiện nhiều vết loét chảy dịch mủ ở miệng, cằm, ngoài ra có triệu chứng sưng các khớp. Trước khi đến Bệnh viện Da liễu TP.Hồ Chí Minh, bệnh nhân đã khám và điều trị ở một bệnh viện nhưng không đỡ. Mảng loét cũ đóng vảy đen, xuất hiện nhiều vết loét mới.

Bệnh nhân 27 tuổi đến khám với tình trạng loét da cạnh hậu môn một tháng. Qua thăm khám, nhiều vết loét sâu, rỉ dịch có mùi hôi, không đau, vị trí ở trước tai, bụng, cạnh hậu môn. Có vài vết loét khô, bề mặt phủ vảy dày màu nâu đen. Sau khi xét nghiệm và chẩn đoán giang mai ác tính, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ. Đánh giá sau 6 tháng rưỡi điều trị, tổn thương da lành lại gần như hoàn toàn.

Mặc dù bệnh giang mai ác tính không phổ biến, nhưng đã có sự gia tăng số lượng các trường hợp được công bố trong những năm gần đây, đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ tuổi dương tính với HIV, do đó các chuyên gia cho biết, giang mai ác tính phải được xem xét trong chẩn đoán phân biệt ở bệnh nhân HIV có tổn thương loét, hoại tử. Bệnh giang mai ác tính mặc dù hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch như những người đồng nhiễm với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), tuy nhiên theo các nghiên cứu đánh giá và các báo cáo gần đây đã mô tả giang mai ác tính ở những người có khả năng miễn dịch bình thường.

2. Giang mai ác tính là gì?

Giang mai ác tính sớm là một dạng giang mai thứ phát hiếm gặp, thường liên quan đến bệnh nhân đồng nhiễm HIV. Ngoài ra, còn có một số yếu tố như suy dinh dưỡng, lạm dụng rượu và mắc các bệnh suy nhược...

Bệnh giang mai ác tính được mô tả lần đầu tiên vào năm 1859 như một biến thể dạng nốt của bệnh giang mai. Giang mai ác tính khác với các biểu hiện cổ điển của bệnh giang mai thứ phát ở mức độ nghiêm trọng hơn và hình thái tổn thương.

Các tổn thương da của bệnh giang mai ác tính có trước sốt, đau đầu, đau khớp và đau cơ với cường độ thay đổi. Chúng được đặc trưng bởi sự xuất hiện của mụn mủ, nốt sần và vết loét đa hình. Niêm mạc có thể bị tổn thương và bệnh nhân có thể có biểu hiện phì đại các hạch bạch huyết và gan lách to.

Sau mô tả đầu tiên vào năm 1859, trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia vẫn còn nghi ngờ liệu giang mai ác tính là một phần của phổ giang mai thứ phát hay là biểu hiện của giang mai thời kỳ thứ ba. Vấn đề này đã được làm rõ bởi các nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Haslund và Neisser thực hiện năm 1897.

Dấu hiệu chỉ điểm nguy cơ mắc giang mai ác tính  - Ảnh 3.

Giang mai ác tính có triệu chứng tổn thương sẩn và loét trên mặt.

Bệnh giang mai ác tính được phân biệt với bệnh giang mai thứ phát cổ điển bởi bệnh cảnh lâm sàng chung lan rộng và nghiêm trọng hơn, các tổn thương đa hình và về cơ bản là sự hiện diện của các tổn thương hoại tử loét. Nó được phân biệt với giang mai thời kỳ thứ ba bởi số lượng tổn thương lớn hơn, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung và khác biệt về mặt hình thái với nướu mạn tính, cả về mặt lâm sàng và mô học.

Bệnh giang mai ác tính trước kia cực kỳ hiếm, từ năm 1900 đến năm 1988, chỉ có 14 trường hợp được xuất bản trong tài liệu tiếng Anh. Hiện tại, người ta ước tính rằng có tới 7% trường hợp mắc bệnh giang mai ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đáp ứng các tiêu chuẩn của bệnh giang mai ác tính và không hiếm khi chúng là biểu hiện lâm sàng đầu tiên tiết lộ tình trạng nhiễm HIV tiềm ẩn.

Dấu hiệu chỉ điểm nguy cơ mắc giang mai ác tính  - Ảnh 4.

Tổn thương nốt sẩn, loét có vảy trên cẳng tay.

3. Triệu chứng thường gặp

Giang mai ác tính sớm được gọi trong tài liệu là giang mai maligna praecox, giang mai rupioid hoặc lues maligna, được đặc trưng bởi nhiều sẩn hình tròn đến hình bầu dục, sẩn mụn mủ hoặc nốt sần. Các tổn thương da xuất hiện sớm hơn khoảng 4 tuần trước triệu chứng sốt, nhức đầu, đau khớp, đau cơ và thay đổi cân nặng.

BS Nguyễn Thị Thanh Thơ cho biết bệnh giang mai ác tính có thời gian ủ bệnh ngắn, thường có triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp… Trên da có các biểu hiện tiến triển từ các nốt, mụn mủ thành nốt loét, mảng loét chảy dịch, trên bề mặt tạo thành lớp vảy dày như vỏ sò, màu nâu hoặc đen. Nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể diễn tiến toàn thân, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh trung ương, thị lực, thính lực, cơ xương khớp, tiêu hóa, thận - tiết niệu...

Cần chú trọng truyền thông giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao (gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới) về nguyên nhân gây bệnh giang mai, đường lây, biến chứng, cách phòng bệnh, lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị sớm.

Các cặp đôi thực hành tình dục an toàn và chung thủy. Ngoài ra, việc xét nghiệm test nhanh giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai vào lần khám thai đầu tiên rất quan trọng để phát hiện, điều trị sớm nếu thai phụ mắc bệnh để ngăn ngừa nguy cơ lây truyền giang mai từ mẹ sang con.

Bất ngờ bé trai 18 tháng tuổi mắc giang mai, bác sĩ chỉ ra con đường lây nhiễm của trẻBất ngờ bé trai 18 tháng tuổi mắc giang mai, bác sĩ chỉ ra con đường lây nhiễm của trẻ

Không tin con trai 18 tháng tuổi bị giang mai, bố mẹ bé trai không thể tin nổi, chần chừ mãi mới chịu xét nghiệm cùng. Kết quả, gia đình có 3 người mắc giang mai.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bé sơ sinh vừa chào đời đã mắc giang mai


Hoàng Nam
Ý kiến của bạn