Hà Nội

Dấu hiệu chỉ điểm bệnh gút

04-11-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Gút là một bệnh dạng viêm khớp, còn gọi là thống phong, gặp chủ yếu ở tuổi trung niên trở lên, nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.

Gút là một bệnh dạng viêm khớp, còn gọi là thống phong, gặp chủ yếu ở tuổi trung niên trở lên, nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Bệnh có thể nhầm với với một số bệnh khác và có thể đưa đến một số biến chứng.

Nguyên nhân mắc bệnh gút là gì?

Nguyên nhân của bệnh gút là do sự tăng cao acid uric trong máu. Trong bệnh gút, sự thay đổi khác thường của các phản ứng trong cơ thể dẫn đến chất acid uric được tạo ra nhiều hơn hoặc là sự lọc thải ra bằng đường tiểu không kịp. Khi acid uric tăng lên trong máu, chúng kết hợp lại và tạo nên những khối trong suốt gọi là tinh thể urat và lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp. Ngoài ra, acid uric còn có thể lắng đọng ở các cơ quan khác như tổ chức dưới da hình thành các hạt tophy và lắng đọng ở thận gây nên sỏi thận.

Dấu hiệu chỉ điểm bệnh gút

Khi bị bệnh gút thường có biểu hiện sưng, nóng, đỏ đau tại một hay nhiều khớp.

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể gặp trong bệnh gút như người béo phì, di truyền, bệnh thận, tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa và sử dụng kéo dài một số thuốc làm giảm khả năng bài tiết acid uric (aspirin, thuốc lợi tiểu,...). Một số trường hợp mắc bệnh thận mạn tính làm ảnh hưởng đến khả năng bài tiết nước tiểu, do đó làm giảm đào thải acid uric từ đó gây bệnh gút.

Nhận biết bệnh gút như thế nào?

Khi nghĩ đến mắc bệnh gút, trước tiên là nam giới tuổi trung niên có cơn đau khớp cấp, đôi khi là đợt đau khớp tái phát và phần lớn bệnh nhân có uống rượu, bia thường xuyên.

Triệu chứng điển hình nhất là sưng, nóng, đỏ, đau tại một hay nhiều khớp. Khớp đau rất dữ dội, nhất là sau khi uống rượu, ăn các loại phủ tạng động vật, hải sản, đau nhất là ban đêm. Khớp sưng đau hay gặp nhất là khớp ngón chân cái, khớp cổ chân hoặc có thể gặp các khớp bàn chân, khớp gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể. Đó là các trường hợp điển hình xảy ra khi xuất hiện cơn gút cấp tính. Tuy vậy, ở giai đoạn đầu tiên của gút thường là không có bất kỳ triệu chứng nào ngoại trừ xét nghiệm máu thấy nồng độ acid uric trong máu cao.

Đa số các bệnh nhân sau khi điều trị dứt được cơn đau khớp cấp đều tưởng rằng bệnh đã khỏi hẳn tuy rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển càng ngày càng nặng thêm và gây biến chứng. Vì vậy, nếu không được điều trị tiếp tục và triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại ngày càng nhiều, nặng hơn và biến chứng sẽ xuất hiện.

Biến chứng do gút

Có hai biến chứng do bệnh gút gây ra, đó là sỏi thận. Sỏi thận kéo dài sẽ làm tổn thương thận gây suy thận, tăng huyết áp, nếu có nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn ngược dòng) sẽ gây viêm thận, áp-xe thận và gây suy thận. Ở giai đoạn muộn hơn, có thể xuất hiện những u, cục gọi là hạt tophi ở xung quanh khớp, nguy cơ gây biến dạng khớp gây đau đớn, cử động, đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và thậm chí gây tàn phế.

Một số trường hợp các hạt tophy có thể bị vỡ khiến vi khuẩn xâm nhập vào khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nguy hiểm hơn là gây nhiễm khuẩn huyết.

Cần làm gì để hạn chế bệnh nặng thêm và tái phát?

Thuốc dùng để điều trị bệnh gút nhằm mục đích cắt cơn đau khớp và hạn chế cơn gút tái phát, Vì vậy, việc phòng bệnh gút để hạn chế bệnh gút nặng thêm và hạn chế cơn đau tái phát là hết sức cần thiết. Do đó, người mắc bệnh gút cần thay đổi lối sống, tập các thói quen lành mạnh như không uống rượu, bia, giảm cân (bằng hình thức vận động cơ thể, kiêng ăn mỡ động vật, ăn giảm chất bột, tăng cường ăn rau), ít nhất phải uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 - 2,0 lít bao gồm cả nước có trong canh, rau, trái cây) hoặc uống hơn lượng nước đó càng tốt nhằm tăng lượng nước tiểu đào thải acid uric. Không ăn các loại phủ tạng động vật (tim, gan, lòng, lá lách, thận), không ăn thịt đỏ (trâu, bò, chó), hạn chế ăn hải sản, nhất là cá trích, cá cơm, trứng cá. 

BS. Việt Thanh

 


Ý kiến của bạn