KỲ CUỐI: THÚC BÉ ĐI NHƯ THẾ NÀO?
Nếu một đứa trẻ chưa biết đi lúc 12 tháng tuổi, người ta vẫn chưa nôn nóng, đến thời điểm 15 tháng tuổi, người ta vẫn đợi chờ, nhưng đến thời điểm 18 tháng tuổi thì không đợi chờ được nữa. Hết 18 tháng tuổi mà em bé vẫn chẳng chịu nhấc chân lên đi thì chẩn đoán chắc chắn đứa trẻ bị chậm đi. Tất nhiên, thực hiện điều này bất kỳ bác sĩ nào cũng không mong muốn.
“Hứng hoa” là một nguyên nhân
Việc chậm đi có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân phổ biến thứ nhất, đó là đứa trẻ bị sinh non. Một đứa trẻ sinh non là một em bé được sinh ra trước khi hoàn tất quá trình lớn lên ở trong bào thai. Khi bị sinh non, em bé bị thiệt thòi hơn so với các em bé sinh đủ tháng vì mọi thứ của cơ thể chưa hoàn tất, trong đó, có hệ vận động. Với một cơ thể yếu ớt, em bé khó có thể trụ vững biết đi như mong đợi. Tất nhiên, không phải đứa trẻ sinh non nào cũng chậm đi. Sự chậm đi tùy thuộc vào mức độ non, số tháng trong tử cung mẹ trước khi chào đời.
Nguyên nhân phổ biến thứ nhất, đó là đứa trẻ bị sinh non
Nhóm nguyên nhân thứ hai đó là tình trạng bại não và các rối loạn khác của não bộ. Tình trạng bại não xảy ra do nhiều lý do khác nhau. Có thể em bé bị rối loạn chức năng não bộ bẩm sinh, đột biết não từ trong bào thai, rối loạn nhiễm sắc thể (như các Hội chứng Down, Prader-Willi, Tay-Sachs, Williams...), di chứng não do can thiệp lúc sinh (như thủ thuật Forcep), viêm não - màng não (như viêm não do màng não cầu), động kinh ở thời điểm trước khi biết đi, não úng thủy... Những nguyên nhân này làm cho não không phát triển đầy đủ, nhất là vùng não vận động nằm ở vùng thóp kéo ra phía trước trán. Khi trung tâm cao cấp nhất của vận động không được hoàn thiện thì việc biết đi là rất xa vời.
Nhóm nguyên nhân thứ 3 là các rối loạn về cơ. Em bé chẳng may bị mắc một số rối loạn nào đó về cơ khiến cho trương lực cơ yếu như bệnh viêm teo cơ, loạn dưỡng cơ, suy nhược cơ. Những rối loạn này đặc biệt hay gặp ở tay và chân. Do đó, em bé không thể biết đi đúng thời hạn. Đặc điểm nhận dạng của các em bé này đó là chân tay rất bé, yếu ớt, không có các vận động phản xạ liên tục, không có các vận động tự phát. Em bé chỉ nằm ra đấy và chỉ có các cử động nhẹ nhàng, yếu ớt và hời hợt. Những em bé không may mắn này sẽ chậm đi.
Nhóm nguyên nhân thứ 4 đó là các bệnh lý nội tạng bên trong khiến cho thể lực của bé rất kém. Thể lực không đủ khiến cho em bé không thể biết đi đúng hẹn. Một số bệnh gây cản trở việc học đi của bé như bệnh tim bẩm sinh, bệnh thông động tĩnh mạch bẩm sinh, bệnh teo đường mật bẩm sinh, bệnh viêm teo gan, bệnh xương thủy tinh...Các bệnh lý này tuy không tác động trực tiếp đến thần kinh hoặc cơ nhưng cũng tác động gián tiếp đến sức mạnh của cơ. Em bé chỉ đủ sức để duy trì sự sống, không còn đủ sức để làm các việc khác như tập đi. Việc chậm biết đi gần như là một kết quả biết trước.
Nhóm nguyên nhân thứ 5 là do di truyền. Nhóm các em bé này hoàn toàn có sự phát triển bình thường nhưng vẫn chậm đi. Đó là vì do di truyền từ bố hoặc mẹ. Nếu một trong 2 người bị chậm đi từ lúc còn thơ ấu thì đứa con có khả năng cao bị chậm đi. Đây thường là do rối loạn tâm lý (như quá nhút nhát, sợ ngã đau) đã kéo chậm lại thời điểm chậm đi. Thông thường, nhóm các em bé này không bị chậm đi rõ nét. Chúng chỉ chậm hơn các bạn độ một vài tháng nhưng thường biết đi trước khi 18 tháng tuổi. Nhóm nguyên nhân này khá an toàn.
Nhóm nguyên nhân thứ 6 là do chăm sóc. Chăm sóc quá bao bọc, cẩn thận tới mức như nâng niu một viên ngọc quý sợ rơi vỡ sứt mẻ. Chúng tôi hay gọi đùa là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Một trường hợp đối nghịch khác là sự chăm sóc thiếu mức cần thiết khiến cho em bé bị suy dinh dưỡng, chân tay teo đét. Cả hai trường hợp này đều gây ra chậm đi. Với các ông bà, bố mẹ quá bao bọc, em bé suốt ngày chỉ được bế bồng trên tay và nằm giường. Đứa trẻ không có cơ hội đặt chân xuống đất để tập đi. Sự quá yêu thương, chiều chuộng, sự sợ nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, sự ngăn cách tiếp xúc với nhóm các em bé khác khiến cho em bé vô tình bị chậm đi không mong muốn. Ngược lại, các gia đình không đủ điều kiện chăm sóc, em bé bị suy dinh dưỡng, cơ thể còi cọc và suy yếu. Em bé không đủ sức đứng dậy để đi. Các em bé này chỉ biết lê từ góc này qua góc khác, thậm chí, ruồi muỗi bay qua còn chẳng thiết đuổi. Xương yếu, cơ yếu đã khiến cho các bé bị chậm đi.
Em bé bị nguyên nhân gì thì khắc phục nguyên nhân đó, đấy là biện pháp can thiệp hữu hiệu nhất giúp em bé trở về đúng quỹ đạo tập đi vốn có. Ví dụ, một em bé bị bệnh tim bẩm sinh, nếu không can thiệp hết bệnh tim thì có thể đến tận lúc 3 tuổi em bé cũng mới chỉ biết ngồi chứ đừng nói biết đi. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi không có ý định trình bày tất cả biện pháp cho các trường hợp. Chúng tôi chỉ trình bày giới hạn cho nhóm các em bé có sự phát triển cơ thể bình thường nhưng vẫn chậm đi, tạm thời chưa trình bày giải pháp cho các trường hợp bệnh lý như bệnh não, cơ và các nội tạng bên trong. Tức là, bé ăn khỏe, ngủ khỏe, lớn lên, vạm vỡ và bụ bẫm nhưng vẫn chậm đi lắm, làm thế nào?
Gãi đúng chỗ ngứa
Có nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy em bé biết đi đúng thời hạn. Có thể dùng biện pháp can thiệp dinh dưỡng, dùng thuốc hỗ trợ, bổ sung các vi chất, muối khoáng...Trong giới hạn chủ định, chúng tôi trình bày biện pháp đặc hiệu nhất, thiếu vận động thì dùng vận động để trị.
Việc đầu tiên mỗi gia đình cần thực hiện đó là luyện tập trên giường cho bé. Mỗi ngày, chúng ta cần làm thường xuyên các động tác nắn chân, nắn tay của em bé. Nắn cho chân tay duỗi thẳng ra. Vừa nắn, vừa trò chuyện, làm cho em bé cảm thấy thoải mái, học ngôn ngữ lại lợi thêm vận động. Đừng để lăn lóc em bé trên giường và không làm gì cả. Nắn chân, nắn tay giúp tăng lưu lượng máu tới cơ, tăng khả năng phản xạ gân xương, kích thích chân “đạp xích lô” trên giường. Những hiệu quả này làm tăng khối cơ chân cùng sức co của nó. Mỗi lần, bạn chỉ cần nắn 3 - 5 lần, từ đùi xuống bàn chân, từ nách tới bàn tay, sau đó để bé tự co duỗi. Mỗi ngày cần làm nhiều lần như thế, rải đều sáng, chiều, tối, ước chừng cứ 15 - 30 phút lúc bé thức bạn làm 1 lần là được.
Biện pháp tiếp theo là kích thích đứa trẻ vận động bằng cách để đồ chơi ngoài tầm với. Bạn cần sử dụng các loại đồ chơi mà bé thích, rất thích. Để biết được, không còn cách nào khác, bạn phải thử qua nhiều loại khác nhau. Chúng không nhất thiết là các loại đồ chơi đắt tiền, hàng hiệu thì mới có tác dụng. Có khi chúng chỉ là những vật dụng rất đơn giản. Thông thường, các đồ chơi mà các em bé thích là thìa và cốc. Chúng có thể cầm thìa để mút, cốc để gặm, chọc thìa vào cốc, gõ cốc vào thìa phát ra tiếng động. Những đồ chơi này thường được làm bằng chất liệu gỗ thì an toàn, không vỡ lại không gây chấn thương. Bạn hãy dụ em bé ra một sàn rộng. Sau đó để đồ chơi xa tầm với của bé. Bé thích đồ chơi nên bé phải với, phải lết, phải bò và bạn đã thành công. Đừng để xa quá, bé sẽ nản. Mỗi lần bé gần tới, bạn phải lê đồ chơi ra xa chút. Chừng 2 - 3 lần, bạn phải cho bé chạm 1 lần để bé hứng thú. Đừng để vào tình trạng bé lê la cả ngày mà không chạm được vào đồ chơi thì bé nản và bỏ luôn.
Mỗi ngày, chúng ta cần làm thường xuyên các động tác nắn chân, nắn tay của em bé, kích thích chân “đạp xích lô” trên giường
Bố trí một phòng tập đủ rộng và an toàn. Nếu phòng nhà bạn không còn chỗ lách để đặt chân thì thật khó để bé có thể tập đi. Muốn tập đi được, bé phải có chỗ để tập bò, bò được cần có chỗ để đặt chân. Bạn cần bố trí phòng chơi của bé rộng ít nhất 5 - 10m2. Khi đó bé có không gian để vận động. Phòng chơi của bé cần an toàn và có tác dụng kích thích bé tập đi. Bạn cần bố trí các điểm tựa như thành ghế, thành bàn, thành giường, tay vịn trên tường. Bé có chỗ để tập và cảm thấy rất an toàn. Khi có không gian đủ rộng, có điểm tựa để vịn, bám, bé tăng khả năng tự tin để tập đi hơn. Biện pháp này hữu hiệu với các em bé có tập tính nhút nhát.
Kích thích và nâng đỡ bé là một biện pháp nhất định bạn cần lưu tâm. Nâng đỡ có nghĩa là khi bé đang cố gắng tập động tác gì đó thì bạn có thể trợ giúp bé một tay để bé thực hiện thành công. Nâng đỡ để bé thấy việc tập vận động rất thú vị. Nâng đỡ để bé không hoảng sợ với việc tập bò, đứng hay đi. Ví dụ, bé đã cố gắng lẫy, bạn có thể giúp bằng cách đẩy nhẹ mông, thế là bé lẫy được. Nhìn đời bằng tư thế nằm sấp thú vị hơn với tư thế nằm ngửa. Khi bé cố gắng bò, bạn có thể nâng nhẹ bụng để bé có thể nâng người lên và bò mọi chỗ. Khi bé tập đứng, bạn có thể nâng nhẹ vào 2 nách để bé thấy an toàn và dướn chân ra đi. Cứ thế, từng ngày bé sẽ thấy hứng thú và thích được làm các động tác khó hơn tiếp theo. Kích thích là hướng dẫn bé, chủ động cho bé làm những động tác mà bé chưa từng làm để bé thấy thích và muốn làm việc đó. Ví dụ, khi bé mới chỉ bắt đầu tập đứng, bạn có thể nâng bé dậy cho bé đứng. Khi đó bé sẽ thấy đứng thú vị và không đáng sợ chút nào. Bạn có thể xốc nách bé và đi một vài bước cùng với bé để bé thấy đi thật sướng và an toàn. Nhưng chú ý cần cổ cứng và nhất định lưng phải thẳng được. Giai đoạn đầu tập đi, bạn cần ở ngay cạnh bé, thử thả tay ra, để bé tập đi 1 - 2 bước và ngã nhào và lòng bạn. Khi đó sức cơ tăng lên rất nhanh. Nhớ đừng tiếc vài lời khen ngợi và ôm ấp bé vào lòng. Bé sẽ hiểu mình thật tài và bố mẹ thật yêu thích động tác này. Cứ thế, từng ngày, bé sẽ đi được trước mắt bạn.
Một biện pháp khác rất đáng được chú ý đó là thả bé vào nơi có nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác. Thường quan tâm tới nhóm trẻ có khả năng phát triển vận động hơn bé nhà bạn nhưng không được khác biệt nhiều. Ví dụ, em bé nhà bạn mới chỉ biết bò. Hãy thả vào nhóm đứa trẻ bò thành thạo và biết đi. Khi đó, chúng sẽ lôi cuốn đứa trẻ của bạn vào những vận động gần tương hợp và em bé sẽ bò nhiều hơn, nhanh hơn và khỏe chân tay hơn. Nhưng bạn tuyệt nhiên không được thả vào nhóm đứa trẻ có vận động quá khác biệt. Ví dụ biết trèo cầu thang. Khi đó, chúng sẽ chạy đi và trốn lên trên tầng, không có tác dụng kích thích đứa trẻ nữa. Việc dùng cộng đồng kích thích cá nhân trở nên mất tác dụng. Biện pháp thả vào nhóm đứa trẻ khác có thể bị vướng bẩn, nguy cơ nhiễm khuẩn từ các em bé khác song nó có tác dụng rất tích cực. Có thể nói, chỉ cần 1 ngày bạn thực hiện điều này 2 lần sáng và chiều thì sau 1 tháng bạn sẽ chứng kiến sự phát triển vận động của bé đến không ngờ. Đến thời điểm này, có lẽ bạn cũng đừng ngần ngại việc thả bé lê la ra sàn, thậm chí là ra sàn nhà hàng xóm. Bạn sẽ thấy, chúng ganh đua nhau, tự kích thích nhau và bé biết đi đến ngạc nhiên.