Kỳ 1: Mấy tháng tuổi bé biết đi?
Vận động vừa là một đặc tính bên ngoài của sự sống vừa là một đặc tính giúp em bé thích nghi với môi trường xung quanh. Nếu không có vận động, chắc chắn việc thích nghi sẽ rất khó khăn.
Những cử động đầu tiên
Quan sát em bé vận động bạn sẽ thấy bé yêu của bạn dường như thay đổi theo tuần, theo tháng. Và đúng là như thế. Khó có một giai đoạn nào mà tiến triển của vận động lại diễn ra với một tốc độ nhanh như vậy, nhất là trong quãng thời gian 2 năm tuổi đầu đời. Sự lớn lên của bé là một niềm vui khôn tả của bố mẹ, là sự bận rộn đến đáng yêu với những gia đình lần đầu sinh con. Và bên trong cơ thể non nớt ấy, chúng ta những tưởng bé chỉ có măm măm và nằm chờ cho lớn nhưng bé cũng thật bận rộn với tiến trình vận động hóa. Bận tập vận động, bận cựa mình, bận rèn luyện để đứng lên. Mỗi khi bé hoàn thành một động tác nào đó, không chỉ bạn vỡ òa sung sướng mà bé cũng thực sự mãn nguyện. Nó có tác dụng kích thích bé, khuyến khích bé, giúp đỡ bé làm nhiều hơn nữa để nhìn thế giới theo đúng chiều mong muốn: nhìn từ tư thế đứng.
Nhưng bạn phải thừa nhận, sinh ra, không một đứa trẻ nào biết đi ngay. Em bé cần phải trải qua từng nấc thang để có thể đi vững bằng 2 chân. Ban đầu, thời kỳ dưới 1 tháng tuổi, bé sinh ra chưa có vận động nào mang tính đặc biệt. Bé chỉ có những vận động rất tự nhiên của hệ thống thần kinh tự phát. Chân bé luôn co và tay bé cũng vậy. Nếu bạn để ý kỹ, cả chân và tay bé đều cong lại rất đáng yêu. Cong trong tư thế gấp và giống như một đứa trẻ đạp xích lô nhưng cẳng chân và cẳng tay vẫn phải thẳng vì đây là 1 đoạn xương. Dù bạn có cố tình duỗi thẳng chân bé thì sau đó bé lại tự co lại. Thậm chí, bạn còn cảm thấy hơi khó khăn khi nắn duỗi chân. Một phần do cơ phản ứng lại, một phần vì bạn sợ làm tổn thương một cơ thể trông còn non nớt.
Vào giai đoạn này, bé rất yếu ớt đúng nghĩa với sơ sinh. Cơ cổ và cơ thân khá yếu. Bé chưa thể vận động cơ cổ trong suốt thời gian từ lúc sinh đến lúc 2 tuần tuổi. Từ 2 tuần tuổi trở đi, bạn bắt đầu thấy một vận động khác lạ đầu tiên của bé: biết cựa đầu quay sang trái, sang phải. Đó là một dấu mốc đáng nhớ sau sự kiện chào đời.
Trong suốt thời gian tiếp theo tính từ 2 tuần tuổi, bé không phát sinh thêm vận động khác ngoại trừ 2 chân đạp xích lô nhiều hơn. Các động tác chân và tay vẫn còn giật cục nhưng diễn ra với tần suất thường xuyên, có vẻ thành thục. Hai chân đạp xích lô càng nhiều thì cơ chi dưới càng phát triển và đó là dấu hiệu bé sẽ chóng biết đi. Thời gian cứ thế nhẹ nhàng trôi. Bạn cứ mải mê cho bé bú, cho bé ăn, ru bé ngủ, thấm thoát hết vài tuần. Bất chợt bạn nhận thấy bé được 2 tháng tuổi. Một cái cảm giác nhanh đến sững người. Và vào thời điểm này, bé biết cựa mình với biểu hiện: nhấc được vai lên. Khi thì vai bên trái, khi thì vai bên phải. Mỗi lần nhấc vai lên như vậy, bạn sẽ thấy bé đỏ mặt, đỏ người, mặt mũi nhăn nhó lại. Đó là một lần luyện tập. Cơ thân mình đã đủ khỏe để thực hiện vận động nâng đỡ thân. Ban đầu chỉ là vài cái cựa mình. Sau đó, bé cựa mình liên tục, cựa trong khi nằm, khi bạn bế hoặc có khi ngay cả lúc bạn thay bỉm tã. Dù chỉ là động tác đơn giản song lại hết sức có ý nghĩa trong sự nghiệp tập đi của bé yêu.
Dấu mốc 1: lẫy
Sang tháng thứ 3, bé có sự lớn lên nhiều hơn. Và tại thời điểm này có một sự kiện bạn hết sức ngóng trông: bé biết lật sấp, người ta gọi là lẫy. Ban đầu, bé chỉ biết cố gắng nghiêng người về một bên nhưng không thành công. Bé bị đổ kềnh, nằm ngửa mệt nhọc. Nhiều bé tập mãi không được, bực quá còn tự khóc inh ỏi ngon lành. Ấy là do cơ thân chưa đủ khỏe để lật được thân. Nhưng cứ tập mãi, tập mãi, dần cơ thân vững khỏe. Khi ấy bé lật sấp thành công. Lúc này, bạn sướng như hét lên còn bé thì mừng không tả được. Bởi lần đầu tiên trong đời, bé được nhìn mọi thứ xuôi chiều giống như cả quảng đời về sau: nhìn trong tư thế dựng mặt. Dù đã tự lẫy được nhưng lúc đầu cổ bé còn hơi yếu, chỉ nâng nhấc lên được chừng 45 độ so với mặt giường và cũng chỉ được 1 lát. Sau đó bé sẽ rất mỏi và gục đầu xuống. Gục như rơi cả mặt xuống giường. Nhưng những lần sau, bé làm rất thành thạo. Cứng cổ được lâu hơn và cao hơn. Thậm chí, nếu bạn gọi bé kèm theo những tiếng vỗ tay, bé sẽ cố rướn cao cổ đến tận giới hạn 70 - 90 độ.
Đến tháng thứ 4, bé sẽ xuất hiện thêm những động tác vận động tinh vi. Bé không chỉ tập thân mà còn tập cả vận động tay nữa. Lần đầu tiên bạn nhìn thấy bé biết để ý những thứ xung quanh và muốn chạm vào chúng. Đây là bước khởi đầu cho một hành trình khám phá trong tương lai. Ban đầu chỉ là cố với tay lấy những thứ phía trước mặt. Sau đó, bé biết duỗi tay hết cỡ, ưỡn cả người và xoay theo chiều di chuyển của thứ mà bé muốn. Đây là sự tương tác mang tính tích cực: thế giới tác động vào bé và bé có những đáp ứng trả lời.
Nhưng bé vẫn chưa biết đi như bạn mong muốn. Bạn cứ bình tĩnh. Sang đến tháng thứ 6, cổ bé lúc này khá cứng, có thể trụ vững được trong tư thế cổ thẳng. Bé có thể ngồi. Lúc đầu sức cơ còn hơi yếu nên bé ngồi với cái lưng cong cong. Đến tháng thứ 8, bé ngồi được thẳng lưng vàng và tự tin trông thấy. Về chuyện lẫy, bé cực kỳ thành thạo. Thành thạo tới mức bé lẫy quá thường xuyên, lật đi rồi lật lại. Thậm chí bé còn trườn bụng trên giường để di chuyển tới đồ vật mình thích. Hai chân khua lên không trung loạn xạ mặc dù vẫn đang nằm sấp. Nhưng sự khua ấy không có giá trị cho tiến triển vận động, nó chỉ có tác dụng tập cho cơ đùi khỏe hơn. Bạn cần phải đợi cho đến lúc nào hai chân bé biết đạp xuống giường thì khi ấy báo hiệu cho bạn chuẩn bị có động tác mới xuất hiện.
Đến tháng thứ 9 bé biết bò
Dấu mốc 2: bò
Đến tháng thứ 9, kết quả mong đợi của bạn bấy lâu xuất hiện: bé biết bò. Đây là kết quả tiếp nối từ thời kỳ trước đó. Khi bàn chân biết đạp xuống giường trong tư thế nằm sấp thì cơ thân biết nâng thân mình, cơ chân biết chống xuống giường. Bé bò cho bạn chiêm ngưỡng. Bé bò bằng 2 tay và bằng 2 gối, tư thế này người ta gọi là bò bằng 4 chi. Bé lẩn như chạch, hết góc này đến góc khác. Khi bé biết bò, bé khoái trí, vừa bò vừa hét và vừa chảy nước miếng xuống sàn trông rất đáng yêu. Nhiều bé bò hăng quá đến mức đỏ cả gối. Khi ấy có lẽ bạn cần bế bé dậy, không cho bò tiếp nữa. Nhiều bé hiếu động, ngay cả khi bạn bế bé lên rồi, bé vẫn tụt xuống đòi bò tiếp cho thỏa thuê.
Dấu mốc 3: đi
Sang tháng thứ 10, hai chân của bé vững vàng hơn. Bạn thấy em bé làm được vô cùng nhiều điều lý thú. Bé biết ngồi xổm trên 2 chân. Bé biết tự mình đứng lên mà không cần phải vịn vào thành ghế hay thành giường. Bé đi tênh tênh và rồi bé bỗng nhiên đi được vài bước, chập chững vươn tới hai bàn tay của bố mẹ. Những bước đi ngắn ngủi ấy dù không dài những đã đủ khiến bạn òa lên sung sướng. Bạn ôm chặt bé trong lòng như chính mình vừa biết đi vậy. Tháng 10 là dấu mốc đánh dấu một sự kiện mà bất cứ ông bố bà mẹ nào đều mong ngóng: bé đi được bằng 2 chân. Và bạn biết không, bé cũng vô cùng thích. Thích đến mức nếu tháng 9 bé bò liên tục thì đến tháng 10 bé đi theo thành giườngmọi lúc có thể.
Bé cứ thế luyện tập và đến tháng 12, bé tự đi được 1 đoạn ngắn. Công cuộc tập đi của bé không còn khó khăn nữa. Cứ thế bé tự ngồi, tự đứng, tự đi, tự nghỉ. Bé đi vững và thành thạo, không còn cần trợ giúp nhiều nữa. Bé thích chơi trốn tìm với bố mẹ. Thích được bố mẹ đuổi theo và luôn có ý nghĩ rằng mình đã thắng bố mẹ mình cơ đấy. Đến tháng 15, việc tập đi có thể nói là hoàn thành.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “mấy tháng bé biết đi đã quá rõ”. Bạn không cần phải đợi quá 12 tháng, bé của bạn đã biết đi rồi.
Mọi sự cứ thế diễn ra thì đã không có gì phải nói. Nhưng oái ăm một nỗi, bé nhà hàng xóm biết đi lon ton rồi mà bé nhà bạn cứ ngồi đấy chẳng động đậy gì. Vậy bé có phải chậm biết đi hay không? Có lỗi gì ở đây chăng? Nội dung được trả lời trong kỳ 2 kế tiếp.
Kỳ 2: Thế nào là chậm đi?