Dấu hiệu cảnh báo trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

30-05-2022 16:00 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng mắc phải tình trạng này, nhiều trường hợp trẻ sau khi bú bị ọc sữa, nôn trớ khiến cha mẹ lo lắng.

1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em và nguyên nhân

Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài. Nó xảy ra khi các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em thường có các biểu hiện như nôn trớ, bỏ bú… 

Ở trẻ em, trào ngược dạ dày thực quản khá đặc trưng của trẻ trong giai đoạn đầu đời. Có khoảng 40% đến 50% trẻ sơ sinh từ 1-4 tháng tuổi xuất hiện các triệu chứng của trào ngược dạ dày.

Lý do là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hệ tiêu hóa còn non, cơ thắt trên của dạ dày còn yếu nên khi co bóp dễ làm thức ăn bị trào ngược lên thực quản, khiến trẻ thường bị nôn ra miệng, mũi. Một số trẻ bị trào ngược dạ dày là do đoạn thực quản phía dưới cơ hoành dài hơn bình thường.

Khi trẻ bị trào ngược dạ dày thường xảy ra hiện tượng nôn trớ khoảng 15 phút sau bữa ăn hay bú. Việc nôn trớ làm trẻ không muốn ăn, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và sự hấp thu chất dinh dưỡng.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em - Ảnh 1.

Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài.

2. Nhận biết trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Không giống như người lớn và trẻ lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không có khả năng diễn đạt các triệu chứng. Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi.

- Trẻ dưới 1 tuổi khi mắc trào ngược dạ dày thực quản thì có các triệu chứng như:

  • Sút cân hoặc tăng cân ít.
  • Khóc và quấy khóc trong và sau khi bú.
  • Nôn mửa hoặc nghẹn sau khi bú.
  • Cong ưỡn lưng khi bú (hội chứng Sandifer)

- Ở trẻ trên 1 tuổi khi mắc trào ngược dạ dày thực quản thì có các triệu chứng như:

  • Ợ nóng, nóng rát sau xương ức;
  • Thiếu máu;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Hôi miệng;
  • Rối loạn giấc ngủ và thức đêm thường xuyên…
  • Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện đau bụng, mòn răng, chứng khó nuốt.
  • Các triệu chứng về hô hấp (ho dai dẳng, viêm phổi tái phát, thở dốc mãn tính, thở khò khè).

Vì tỷ lệ trào ngược dạ dày sinh lý ở trẻ sơ sinh cao, điều quan trọng là phải phân biệt giữa đâu là sinh lý bình thường và đâu là triệu chứng bệnh lý. Rất khó phân biệt được giữa nôn bình thường và trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em - Ảnh 2.

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thường gặp ở trẻ em.

3. Phân biệt trào ngược dạ dày thực quản sinh lý hay bệnh lý

Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, bú đều đặn, không bị khò khè tái đi tái lại… thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý, sẽ thoái lui dần theo thời gian (thường chậm nhất là ở thời điểm 1 tuổi).

Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi hoặc trẻ chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, sợ ăn, hay bị khò khè kéo dài đáp ứng kém với điều trị, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì nhiều khả năng là trào ngược đã có biến chứng (trở thành bệnh lý). 

Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường khi cho bé bú (trẻ không muốn bú sữa, thường dùng tay đẩy người mẹ ra; hay quấy khóc trong và sau khi bú; hay giật mình thức giấc vào ban đêm…) cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và được điều trị kịp thời, hợp lý.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em - Ảnh 3.

Khi trẻ bị trào ngược dạ dày thường xảy ra hiện tượng nôn trớ khoảng 15 phút sau bữa ăn hay bú.

4. Trẻ em mắc trào ngược dạ dày thực quản có gặp biến chứng nguy hiểm?

Các biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản có thể thấy ngay ở đường tiêu hóa, mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản. Thực quản sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ và biến chứng nặng nề nhất lên thực quản là "thực quản Barrett", là tình trạng thực quản bị viêm chít hẹp lại, gây khó khăn cho sự lưu thông thức ăn từ trên xuống.

Cơ quan bị ảnh hưởng hay gặp nữa là hệ hô hấp. Trẻ sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Hoặc trẻ bị khàn tiếng do dây thanh trong cổ họng bị dày lên, hậu quả của tình trạng dịch acid ở dạ dày trào vào vùng hầu họng.

Gần đây, các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan mật thiết ở những trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, nuôi chậm lớn...


Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em - Ảnh 4.

Tránh cho trẻ bú quá nhiều trong một cữ bú, giữa cữ bú có thể tạm ngưng để vỗ lưng cho trẻ ợ hơi.

5. Điều trị và chăm sóc trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ

- Trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi bị trào ngược không biến chứng không cần điều trị, thường hướng dẫn phương pháp điều trị bảo tồn (không dùng thuốc).

Tránh cho bú quá nhiều trong một cữ bú, giữa cữ bú có thể tạm ngưng để vỗ lưng cho trẻ ợ hơi, để ý cách trẻ bú xem ngậm nút đúng chưa vì nguy cơ trẻ nút nhiều hơi khi bú; Sau khi bú ẵm trẻ thẳng lên khoảng 20 - 30 phút trước khi đặt nằm xuống.

- Trẻ trên 1 tuổi: Cần thay đổi lối sống, cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, giúp dạ dày thích nghi dần dần. Tư thế cho bú rất quan trọng giúp trẻ giảm trào ngược, để đầu trẻ cao 30 độ so với mặt phẳng, tư thế này thực quản sẽ cao hơn dạ dày nên sữa, thức ăn sẽ giảm trào ngược đáng kể. Ngay khi trẻ nằm ngủ cũng nên kê đầu cao 30 độ so với mặt giường.

Tránh nằm xuống sau khi ăn: Bữa ăn nên cách khoảng 3 giờ trước khi đi ngủ. Cũng nên tránh ăn trước khi tập thể dục;

6. Thuốc trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ

Trẻ sẽ được uống thuốc để điều trị các triệu chứng trào ngược axit song song với việc thay đổi lối sống, thuốc thường được điều trị 2 - 4 tuần sau đó sẽ đánh giá lại. 

Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu trẻ bị biến chứng nghiêm trọng (viêm loét thực quản, viêm phổi tái phát…) do trào ngược axit mà không thể kiểm soát được bằng thuốc.

Mời độc giả xem thêm video:

Bệnh viêm gan bí ẩn: Các chuyên gia nhận định có thể liên quan đến SARS-CoV-2





BSCK1. Phạm Ngọc
Ý kiến của bạn