Hà Nội

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng nguy hiểm và cách phòng ngừa bệnh

04-11-2021 15:01 | Y học 360
google news

SKĐS - Từ đầu năm 2021, số ca sốt xuất huyết mắc rải rác nhưng đặc biệt tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2021, cả nước đã ghi nhận 53.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 20 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhưng số ca tử vong tăng 7 trường hợp.

Bộ Y tế cũng cảnh báo hiện nay đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng. Riêng trong 1 tháng (tính từ ngày 19/9 đến 18/10), cả nước đã ghi nhận 6.063 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng nguy hiểm và cách phòng ngừa bệnh  - Ảnh 1.

BS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Mai Thanh

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện. Các bệnh nhân đến từ các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận của Hà Nội như: Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường
Số ca mắc rải rác nhưng đặc biệt tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu…


"Nét khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu. Thậm chí, có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính…", PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Dấu hiệu nào cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng?

Các chuyên gia khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da sung huyết đỏ, mắt đỏ sung huyết.

Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, thứ 5 như đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Cùng với sốt xuất huyết, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2021, cả nước đã ghi nhận 37.915 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 11 trường hợp tử vong; 471 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus (7 trường hợp tử vong); 14 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (2 trường hợp tử vong) và 418 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 39 trường hợp dương tính với sởi.

Để phòng các bệnh nêu trên, Bộ Y tế khuyến cáo, với những bệnh có vaccine phòng bệnh thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đầy đủ. Ngoài ra, tăng cường vệ sinh môi trường sống, nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng…
8 lưu ý quan trọng từ các chuyên gia y tế trong mùa dịch sốt xuất huyết8 lưu ý quan trọng từ các chuyên gia y tế trong mùa dịch sốt xuất huyết

SKĐS - Thời tiết giao mùa kèm theo những đợt mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân cần nằm được những thông tin căn bản về bệnh để phòng tránh. Bài viết là những lưu ý quan trọng của các chuyên gia y tế, bác sĩ điều trị.

Xem thêm video đang được quan tâm

Lưu ý dùng thuốc khi bị sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19


Q.An
Ý kiến của bạn