Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết

18-09-2015 15:40 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và trong nhiều trường hợp bệnh nặng hết sức khó lường. Vì vậy, cần phát hiện sớm những dấu hiệu báo trước nguy cơ tiến triển xấu ở bệnh nhân sốt xuất huyết để xử trí kịp thời.

Không được bỏ qua triệu chứng

Sau khi thâm nhập cơ thể, virus Dengue sẽ có thời gian nhân lên khoảng 5 - 7 ngày (thời kỳ ủ bệnh) trước khi các triệu chứng xuất hiện. Đầu tiên là hội những nhiễm virus không đặc hiệu: sốt cao, đau mỏi khắp người, đau họng, viêm long đường hô hấp kèm theo các biểu hiện khác như viêm kết mạc, đau đầu, nôn, đau thượng vị, tiêu chảy cấp. Giai đoạn này không có sự khác biệt gì nhiều giữa sốt Dengue thường và SXH (Dengue xuất huyết). Tuy nhiên, sau sốt cao khoảng 3 - 4 ngày, một số dấu hiệu chứng tỏ bệnh có thể diễn biến nặng lên như đột nhiên người bệnh cảm thấy mệt lả, vã mồ hôi lạnh kèm đau đầu dữ dội và nôn nhiều. Một số trường hợp bệnh nhân bị đau dữ dội vùng gan kèm gan to dưới bờ sườn và làm xét nghiệm có men gan tăng rất cao.

 

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết

Xuất huyết thường xảy ra khi bệnh nhân bắt đầu hết sốt nên cần chú ý dự phòng ở thời điểm này. Khi đang sốt cao, đột ngột hạ thân nhiệt xuống dưới 370C là một dấu hiệu không tốt cho người bệnh. Các dấu hiệu như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa (đi ngoài phân đen, nôn ra máu), xuất huyết dưới da nên được phát hiện sớm. Dấu hiệu xuất huyết dưới da bào gồm các chấm xuất huyết trông như vết muỗi đốt (khi làm căng da xung quanh thì chấm xuất huyết không biến mất) hoặc những mảng bầm tím, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn.

 

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết

Xuất huyết dưới da.

Các biểu hiện nặng nhất của bệnh đó là các triệu chứng của sốc như mạch nhanh nhỏ, da tái lạnh, huyết áp tụt… cũng hay xảy ra sau khi sốt giảm hoặc hết và song hành với mức độ xuất huyết cũng như mất dịch do thoát huyết tương. Suy hô hấp do tràn dịch, tràn máu màng phổi, chảy máu phổi hoặc bội nhiễm ở những ngày sau luôn là một dấu hiệu tiên lượng xấu cho bệnh nhân. Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng, các xét nghiệm như số lượng tiểu cầu, xét nghiệm đông máu, chức năng gan thận, mức độ cô đặc máu… cũng cần được theo dõi sát sao để điều trị kịp thời.

Cách xử trí?

Khi bệnh nhân bị sốt có dấu hiệu nặng, ngay lập tức đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, các xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị sẽ được tiến hành. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch, truyền máu (hồng cầu hoặc tiểu cầu) để kiểm soát huyết áp, chống sốc cũng như các biện pháp hồi sức hô hấp, tuần hoàn khác.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đảm bảo nuôi dưỡng, cân bằng nước điện giải, chống nhiễm khuẩn thứ phát cho bệnh nhân. Tuyệt đối tránh dùng một số thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng chảy máu như Aspirin, một số thuốc kháng sinh có tác dụng phụ làm giảm tiểu cầu…

BS. Đức Vũ

 


Ý kiến của bạn