Dấu hiệu cảnh báo sớm viêm ruột thừa ở trẻ em và những lưu ý

29-06-2022 16:00 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Một số người nghĩ rằng viêm ruột thừa chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, viêm ruột thừa thường xảy ra ở trẻ em hoặc ở tuổi dậy thì, tần suất cao nhất là từ 12 đến 18 tuổi, cũng có thể gặp ở trẻ từ 6 tuổi.

Viêm ruột thừa: Sự chủ quan và những hậu quả khôn lườngViêm ruột thừa: Sự chủ quan và những hậu quả khôn lường

SKĐS - Viêm ruột thừa là bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất Chẩn đoán viêm ruột thừa thuộc về các bác sĩ lâm sàng. Tuy nhiên, với những trường hợp không điển hình thì chẩn đoán hình ảnh đóng một vai trò quan trọng nhất định.

Viêm ruột thừa là căn bệnh khó lường, khó chuẩn đoán, nhiều trường hợp ở trẻ em tiến triển nhanh và có thể vỡ dễ dàng nhưng vì trẻ không phân biệt được đau ở đâu mà chỉ quấy khóc làm cho các bậc cha mẹ hoang mang.

Do vậy, nếu nhận biết và xử trí sớm viêm ruột thừa sẽ ngăn ngừa được những biến chứng trầm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ ở trẻ.

Cảnh báo viêm ruột thừa sớm ở trẻ em và những lưu ý - Ảnh 2.

Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau bụng.

1. Những dấu hiệu điển hình của viêm ruột thừa

Thông thường, ruột thừa nằm ở hố chậu phải của ổ bụng, nhưng cũng có thể thay đổi vị trí bất thường như nằm sâu dưới vùng chậu, dưới gan, hoặc đôi khi nằm bên hố chậu trái. Vì cấu trúc là một hình ống, nên khi bị tắc nghẽn bên trong lòng ống sẽ gây nên biến chứng viêm ruột thừa.

Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau bụng, ban đầu đau ở xung quanh rốn, sau đó chuyển sang vùng bụng dưới phía bên phải (hay còn gọi là hố chậu phải) kèm theo các triệu chứng như cảm giác chán ăn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, sốt cao và căng cứng cơ bụng. Mức độ đau tăng lên khi trẻ di chuyển, ho, hắt hơi và thở sâu. Khi thăm khám nhận thấy phía phải bụng dưới (nơi vị trí ruột thừa) sẽ đau khi ấn vào.

Trong giai đoạn đầu vừa khởi phát, trẻ hay sốt nhẹ khoảng 38,5 độ C. Ở giai đoạn muộn, đã hoá mủ, hoại tử, hoặc đã thủng thì cảm giác đau bụng của trẻ tăng lên, phạm vi bị đau không còn khu trú ở hố chậu phải mà lan rộng khắp bụng, kèm theo sốt cao 39 – 40 độ C. Lúc ấy ấn vào bụng, cơ bụng căng cứng mà các bác sĩ thường gọi là phản ứng thành bụng hoặc sờ thấy một khối u phía bên phải bụng dưới.

2. Viêm ruột thừa dễ nhầm lẫn với các bệnh khác

Bệnh viêm ruột thừa vốn xảy ra khá phổ biến, do bệnh cảnh dễ nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hoá hay gặp ở trẻ. Theo nghiên cứu, viêm ruột thừa hay xảy ra nhiều nhất là từ 12 đến 18 tuổi, tỷ lệ ở trẻ trai là 8% và ở trẻ gái là 6%, cũng có thể gặp ở trẻ nhỏ, thậm chí ở trẻ nhũ nhi dưới hai tuổi với một suất độ thấp hơn.

Trẻ bị viêm ruột thừa đôi khi có những triệu chứng kèm theo như tiêu chảy, biếng ăn… phụ huynh rất dễ nhầm tưởng với những căn bệnh liên quan đến tiêu hóa, nên đã tự ý mua thuốc cho trẻ dùng và khi đến bệnh viện thì bệnh đã diễn biến nặng. Trường hợp đến muộn, trẻ có biểu hiện đau khắp bụng, bụng chướng. Biến chứng nặng của viêm ruột thừa cấp chính là viêm phúc mạc ruột thừa. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cảnh báo viêm ruột thừa sớm ở trẻ em và những lưu ý - Ảnh 4.

Trẻ khi bị viêm ruột thừa đôi khi có những triệu chứng kèm theo như buồn nôn, tiêu chảy, biếng ăn…

3. Viêm ruột thừa ở trẻ nên lựa chọn phẫu thuật như thế nào?

Tùy thuộc vào mức độ viêm của ruột thừa, sau khi mổ xong có còn các biến chứng gì khác không. Nếu là viêm ruột thừa cấp (mới chớm viêm trong vòng 6 tiếng), viêm ruột thừa mủ thì khả năng biến chứng sau mổ là rất thấp. Nhưng đối với các trường hợp viêm phúc mạc ruột thừa thì do mủ lan tràn khắp ổ bụng nên biến chứng tắc ruột do các dây dính tạo thành sau mổ là rất cao. Nhiều trường hợp tắc ruột phải mổ lại để gỡ các dây dính này.

Rất khó có 1 thời gian biểu chung cho thời gian nằm viện của trẻ bị viêm ruột thừa, vì đôi khi còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ trước đó và các bệnh lý đi kèm của trẻ. Nhưng nhìn chung các viêm ruột thừa cấp và hóa mủ, thời gian nằm viện khoảng 1 tuần, còn viêm phúc mạc ruột thừa thì khoảng 2 tuần.

Nhiều cha mẹ băn khoăn khi trẻ mắc viêm ruột thừa nên mổ nội soi hay mổ mở. Để trả lời câu hỏi này, nhiều nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa mổ nội soi và mổ mở về mặt biến chứng. Nhưng mổ ruột thừa nội soi là 1 bước tiến mới trong tiếp cận mổ viêm ruột thừa, nhất là đối với các trẻ có thể trạng mập. Trẻ sau mổ sẽ bớt đau hơn mổ thông thường do ít phải cắt cơ, quan sát được toàn thể ổ bụng, thời gian hồi phục nhanh hơn và sẹo mổ thẩm mỹ hơn.

Cảnh báo viêm ruột thừa sớm ở trẻ em và những lưu ý - Ảnh 5.

Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ thường khó khăn hơn người lớn do dễ nhầm lẫn với một số bệnh cũng có các triệu chứng tương tự.

Tóm lại: Cha mẹ không nên chủ quan và luôn chú ý triệu chứng sức khỏe của trẻ khi trẻ có biểu hiện như đau bụng, sốt, nôn mửa, ăn không ngon, chán ăn... Đặc biệt, đối với trẻ dưới 2 tuổi, các phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu như thường xuyên quấy khóc, sốt, nôn, tiêu chảy… thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để trẻ được khám và điều trị kịp thời, nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Để chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ, siêu âm là 1 cận lâm sàng tốt, không xâm lấn và không gây hại, giúp ích rất nhiều trong việc phân biệt nhiều loại bệnh lý khác nhau có cùng triệu chứng là đau bụng. Nhưng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm không phải lúc nào cũng phát hiện tổn thương viêm ruột thừa mà tùy thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đọc. Do đó, siêu âm nên được xem là 1 công cụ hỗ trợ trong công tác theo dõi viêm ruột thừa, không phải là tiêu chuẩn vàng quyết định viêm ruột thừa. Chẩn đoán cần kết hợp với nhiều lần thăm khám bệnh của bác sĩ và siêu âm hỗ trợ.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định được nguyên nhân, vì thuốc có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19




BSCK I Đinh Văn Duy
Ý kiến của bạn